Cấy ốc tai ở Việt Nam

Hôm nay tôi trở lại với đọc giả theo chủ đề ALDA Newsletter hay nói tới nhiều nhất là CẤY ỐC TAI. Tôi muốn chia sẻ với các bạn về việc tiếp cận đến dịch vụ cấy ốc tai của người khiếm thính ở Việt Nam. Chúng tôi, Người Khiếm thính Việt Nam, hiểu về cấy ốc tai ra sao? Ai là người được cấy ốc tai? Trẻ con hay người lớn?

Thú thật là tôi làm việc về lĩnh vực khiếm thính đã ba năm, đã nghe nhiều nhận xét về cấy ốc tai từ giáo viên, phụ huynh, bệnh viện, các công ty bán máy trợ thính và phụ kiện cấy ốc tai … cuối cùng thì cũng chẳng biết chính xác người lớn hay trẻ em thích hợp cho việc cấy ốc tai hơn. Từng trường hợp cụ thể như thế nào?

Câu Lạc Bộ Khiếm Thính Tp.HCM thường xuyên tiếp đón du khách khiếm thính tới tham quan và chia sẻ kinh nghiệm. Rất nhiều người trong số họ cấy ốc tai và phần lớn là người mới bị mất thính lực. Trẻ em, theo tôi biết, nên theo chương trình can thiệp sớm và sử dụng máy trợ thính. Với trường hợp độ mất thính lực của trẻ quá nặng, không thể đeo máy trợ thính thì biện pháp cấy ốc tai mới được xem xét đến. Việt Nam đã có trên 10 năm thực hiện chương trình can thiệp sớm kết hợp với giáo dục hòa nhập, đã có nhiều trẻ điếc lớn lên nghe rất tốt với sự hỗ trợ của máy trợ thính, và nói chuyện được. Cá biệt có trường hợp, có em còn nghe nói lưu loát như người nghe. Các em học hòa nhập từ nhỏ tới lớn không phân biệt được em là Điếc hay người nghe. Tôi đã cố gắng đem hết những gì mình biết, chia sẻ với các phụ huynh. Nhưng vẫn rất nhiều trường hợp hoặc quá kỳ vọng vào hiệu quả của việc cấy ốc tai, hoặc quá mong muốn con mình sẽ là bình thường như bao trẻ khác nên cho trẻ cấy ốc tai từ nhỏ và không thích can thiệp sớm.

Những nơi, các phụ huynh tìm tới là bệnh việc cấy ốc tai, công ty bán linh kiện ốc tai (mà số này thì không nhiều ở Việt Nam), những phụ huynh có con cấy ốc tai. Tôi đã tới bệnh viện thăm bốn bé 2 – 6 tuổi mỗ cấy ốc tai. Chi phí trung bình cho một ca cấy ốc tai ở Việt Nam là 24.000 USD (không tính phí đi lại) bảo hành mười năm. Có một em hai tuổi cấy ốc tai, hai năm ruỡi sau ốc tai bị hư phải mỗ cấy lại. Hãng bán linh kiện chịu viện phí và chi phí phẫu thuật, đi lại gia đình tự lo. Tại bệnh viện, bốn bà mẹ đều khóc khi trò chuyện với tôi và xin tôi một lời khuyên “Dạy con như thế nào để cháu được tự tin, nghe nói tốt, học được và hòa nhập xã hội thuận lợi”. Mỗi người một hoàn cảnh, tôi không thể có lời khuyên chuẩn mực nào cả. Tôi đem chuyện Tiến sỹ J.King Jordan, bà Sue Thomas kể cho họ nghe với lời chia sẻ tự trái tim tôi “Các bạn hãy trân trọng con mình, hãy tin rằng, chúng có thể sống và làm việc được như mọi người. Ai chẳng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Hãy chấp nhận sự việc con bạn sẽ phải đối mặt với những thử thách lớn lao và việc truyền cho con bạn niềm tin, nghị lực phấn đấu là quan trọng hơn là lo sợ tìm mọi cách giúp con bạn tránh né đối mặt với khó khăn. Đừng vì thấy con khuyết tật mà làm hỏng chúng”. Phải nói là trong các trường hợp cấy ốc tai tôi gặp, không ai giàu có lắm, nhưng phụ huynh cố tìm mọi cách để cấy ốc tai cho con, với mong muốn con mình có tương lai tốt đẹp hơn, không thua súc bạn bè khi chúng lớn lên. Và với những gì họ được tư vấn ở bệnh viện thì cấy ốc tai là liệu pháp duy nhất mang lại mong muốn cho họ. Tôi cũng có hỏi họ về chi phí lâu dài trong tương lai mà gia đình sẽ phải chi, liệu họ có nghĩ tới? Họ bảo biết nhưng chịu, họ không thể nào làm khác được, không có sự lựa chọn nào khác ngoài tương lai của đứa trẻ.

Chỉ một trường hợp người lớn cấy ốc tai tôi gặp là em trai 25 tuổi. Do gia đình có điều kiện, em được đưa sang Singapore cấy ốc tai tổng chi phí khoảng 1.2 tỷ VNĐ (tương đương 80.000 USD). Gia đình em bảo, em có nhiều tiến bộ đặc biệt như đã nghe tiếng gọi từ phía sau lưng, nghe kêu tên từ dưới lầu khi em đang ở trên lầu, nói được vài từ đơn giản như Ba, Má, đếm số từ 1 đến 10.

Về lĩnh vực y tế, liệu có cần nói về lương tâm nghề nghiệp ở đây? Các bác sỹ Tai Mũi Họng, họ có thật sự hiểu về cấy ốc tai? Cần lưu ý rằng ở Việt Nam chưa hề có chuyên gia thính học. Hiện nay, chỉ có ba bác sỹ chuyên khoa Tai Mũi Họng được gửi sang Mỹ tu nghiệp về chuyên ngành thanh thính học và trở thành chuyên gia thính học. Vậy, khi tư vấn cấy ốc tai, bản thân người tư vấn và người được tư vấn có thấu hiểu rõ vấn đề? Tôi cũng có dịp trao đổi với một trong những chuyên gia thính học này và nhận được vài câu trả lời. Chắc có lẽ người này cũng đang kinh doanh phụ kiện cấy ốc tai nên không thể nói hết chăng?

Rồi còn các bài tập thực hành sau khi cấy ốc tai nữa chứ, chúng là gì? Tôi hiện đang tìm kiếm. Giáo viên các trường hỏi tôi. Tôi hỏi các phụ huynh có con cấy ốc tai, liệu họ có biết? Họ bảo sẽ hỏi bác sỹ phẫu thuật và sẽ thông tin cho tôi sớm.

Cuối cùng thì còn nhiều vấn đề chưa được hiểu rõ về cấy ốc tai. Ai thích hợp để cấy ốc tai: người lớn hay trẻ? Những vấn đề cần chuẩn bị lâu dài sau khi cấy ốc tai là gì? Sức chịu đựng, tâm lý bệnh nhân cấy ốc tai, kinh tế? Bài tập thực hành sau khi cấy ốc tai? Bạn có biết vui lòng mách chỉ giúp.

Dương Phương Hạnh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip