Cuộc sống không có sự thương hại

Tôi là người nghe kém. Tôi bị mất thính lực từ lúc 6 tuổi do dùng thuốc kháng sinh quá liều. Nhiều người không tin hoặc không hiểu tại sao tai trái của tôi bị điếc đặc và tai phải điếc 90dB, nhưng tôi vẫn nói được. Điều này không bình thường đối với những người khiếm thính như tôi.

 
Tôi thật sự không nhớ cảm giác về sự khuyết tật của mình khi còn nhỏ. Tôi lớn lên và học tập trong thế giới của những người nghe bình thường và trong một khoảng thời gian dài tôi cứ tưởng rằng chỉ có tôi là người khiếm thính. Bởi vì chỉ có mình tôi không nghe, nên trong lớp tôi bị lờ đi. Tất nhiên, các giáo viên yêu mến tôi vì tôi là một học sinh giỏi, nhưng vì lớp quá đông với gần 40 học sinh và thời gian học hạn hẹp nên họ không thể chú ý đến tôi cũng như thường quên không nhìn tôi để tôi có thể nghe bằng đọc tín hiệu môi. Do đó, khi học phổ thông cũng như đại học, tôi không thể hiểu ngay giáo viên đang nói gì, vì vậy tôi buộc phải tự học, học từ chị tôi, chị ấy học cùng lớp với tôi ở trường phổ thông, cũng như học từ người bạn thân nhất và qua sách vở.
 
Thật may mắn khi tôi đã luôn thích học và sử dụng tất cả thời gian của mình cho việc học. Tuy nhiên, các buổi học tiếng Anh ở trường đại học đặc biệt khó khăn đối với tôi. Tôi còn nhớ, hồi tôi học năm thứ hai, trong một buổi học tiếng Anh, có khoảng bốn mươi sinh viên, mỗi sinh viên được chỉ định để đọc một đoạn trong bài, người này tới người kia. Tôi không có cách nào để biết được bạn mình đã đọc tới đoạn nào. Mặc dù tôi đã nói với giáo viên rằng tôi bị nghe kém, bà ấy không tin và cho rằng tôi nói láo. Theo bà ta “không nghe sao học được”.
 
Tôi đã rất buồn vì không nghe và không biết tương lai mình sẽ như thế nào, thậm chí, với lúc đã tốt nghiệp đại học. Khi làm việc như một kỹ sư hóa chất, tôi đã sớm nhận thấy rằng môi trường làm việc luôn có nhiều thử thách. Ví dụ như là khi tôi làm việc và tập trung vào mẫu thí nghiệm, nếu có ai đó hỏi tôi, tôi không cách nào nghe được họ, trừ khi người đó đứng trước mặt tôi và tôi nghe lời họ hỏi bằng đọc tín hiệu môi. Tôi biết rằng tôi phải thuyết phục các đồng nghiệp bằng cách làm thật tốt công việc của mình. Vì nghe kém, cuối cùng tôi vẫn phải chịu thua không thể hoặc rất nguy hiểm cho tôi khi vận hành một số máy móc và thiết bị trong phòng thí nghiệm.
 
Qua website, tôi biết về ông Johan Hammarstrom và dự án của ông ấy. Sau khi làm việc với nhóm của ông khi họ thực hiện dự án “Chuyến bay vòng quanh thế giới vì người khiếm thính” ở thành phố HCM, Việt Nam vào 04/ 2006, tôi quyết định làm việc trong lãnh vực khiếm thính. Hiện tại, tôi làm việc cho Chương trình khuyết tật và phát triển (DRD) như là nhân viên xã hội hỗ trợ những người bị khiếm thính giống như tôi trước đây.
 
Tôi đã khám phá ra điều gì trong công việc hiện tại của mình? Có khoảng 15 trường tiểu học và mầm non dành cho người khiếm thính ở TP.HCM, thành phố lớn thứ hai của Việt Nam. Trong đó có 3 trường có chương trình cấp 2 nhưng cao nhất chỉ tới lớp 8 hoặc lớp 9. Dự án “Giáo dục Trung học Đại học cho người Điếc ở Việt Nam” do Quỹ Nippon tài trợ có chương trình cấp 3, đây là trường duy nhất có chương trình này. Dự án này tuyển sinh khắp cả nước.
 
Các em học sinh nghe kém học như thế nào? Các em học hòa nhập chung với học sinh nghe khác, giống như tôi đã từng học. Tuy nhiên, họ gặp rất nhiều khó khăn trong học nghề và tìm việc sau khi tốt nghiệp phổ thông. Nhiệm vụ của tôi tại DRD là nâng cao nhận thức cho người khiếm thính về giá trị và sự khuyết tật của họ; nâng cao kiến thức cho họ qua các lớp tiếng Việt và tiếng Anh cũng như là các cuộc họp, các khóa tập huấn kỹ năng sống; tìm các cơ hội giáo dục nghề và việc làm; đưa cộng đồng khiếm thính TP.HCM vào mạng lưới liên kết trong nước và quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức cho người khiếm thính và nghe kém trên thế giới.
 
Tôi không phải là một nhân viên xã hội chuyên nghiệp và chưa bao giờ học chuyên sâu về khiếm thính (giáo dục khiếm thính, tâm lý khiếm thính, v.v…). Vì tôi yêu thích công việc và có trách nhiệm từ công việc của mình, tôi phải vừa học vừa làm để phát triển và chia sẻ kiến thức nằm ngoài những hiểu biết của mình. Sau khi tham gia vào hội nghị thế giới 2008 ở Vancouver, Canada, tôi đã học hỏi được rất nhiều và thấy phấn khích trong môi trường làm việc toàn cầu của người khiếm thính, tôi bắt đầu thấy ánh sáng lóe lên ở cuối đường hầm. Tôi muốn tiếp tục học từ bạn bè, từ các chuyên gia và từ những người hỗ trợ cho người khiếm thính, cũng như các giáo viên và phụ huynh của những trẻ khiếm thính. Tôi muốn phục vụ cộng đồng người khiếm thính bằng tất cả năng lực của mình.
 
Cuộc sống luôn luôn không có sự thương hại, chỉ có những thử thách và phấn đấu. Nếu tôi nỗ lực hết sức mình, không có gì là không thể. Bạn có đồng ý với tôi không?
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

 

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip