Hiểu và làm việc với người khiếm thính

Người khuyết tật gặp phải rất nhiều khó khăn. Họ thuộc số những người nghèo nhất và bị phân biệt đối xử nhiều nhất trong xã hội. “Kinh nghiệm cho thấy khi Người khuyết tật được quyền tham gia và giữ vai trò dẫn dắt trong tiến trình phát triển, cả cộng đồng sẽ cùng phát triển. Những đóng góp của họ tạo ra cơ hội cho mọi người, cả những Người khuyết tật và Người không khuyết tật. Thông điệp trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2009 nêu rất rõ: Mục tiêu trọng tâm của chúng ta là giúp Người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng và mục tiêu này là một yếu tố quan trọng để chúng ta đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ như định sẵn” (Thông điệp trong Ngày quốc tế Người khuyết tật 03 tháng 12 năm 2009).

Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khiếm thính (Theo số liệu của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở VN tháng 12/2009) bao gồm người Điếc, người nghe kém và người mới bị mất thính lực. Số người khiếm thính ở độ tuổi đi làm chiếm 60% (nguồn “Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội” báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật, đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh …). Khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tinh mắt là ưu điểm nổi trội của người khiếm thính. Nhưng, lực lượng này có thể đóng góp công sức hay đang là gánh nặng cho xã hội?

 Thực trạng người khiếm thính

Giáo dục:

  • Giáo dục trẻ khiếm thính tại Việt Nam đã có trên 100 năm, bắt đầu từ Trung tâm Nuôi dạy trẻ Khiếm thính Thuận An. Hầu hết các trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính tại Việt Nam đều ở bậc mầm non và tiểu học, rất ít trường có chương trình cấp hai. Một số trường chuyên dạy trẻ khiếm thính (một dạng tật), số trường còn lại dạy chung với trẻ chậm phát triển. Vấn đề một trường học dạy chung hai dạng tật do hoàn cảnh kinh tế của nhà trường, học sinh phải chấp nhận, nhưng ai đã từng tham quan các trường này sẽ nhận thấy rằng chất lượng giáo dục không thể nào đạt được, vì trẻ chậm phát triển luôn la hét và tạo tiếng ồn … trong khi trẻ khiếm thính thì cần môi trường yên tĩnh để nghe lời giảng của giáo viên qua đọc tín hiệu môi có, hoặc không có, kết hợp với ngôn ngữ ký hiệu.
  • Trẻ khiếm thính mất từ 7 – 10 năm cho chương trình tiểu học, một số ít theo được tới cấp hai rồi cũng ra trường. Khi đó, độ tuổi trung bình của các em đã là 25. Bên cạnh đó, vẫn có một số em không được đi học, hoàn toàn mù chữ và không biết cả ngôn ngữ ký hiệu. Trong khi, người nghe bình thường có rất nhiều cơ hội học tập từ giáo dục chính quy, bổ túc, giáo dục thường xuyên cho tới đào tạo từ xa … thì người khiếm thính chỉ có trường chuyên biệt cho họ và chỉ có số ít có cơ hội học hòa nhập.

 Nghề nghiệp:

  • Sau khi rời trường chuyên biệt, các em khiếm thính bước vào đời với hành trang bằng ba con số 0: không thể giao tiếp, không chuyên môn, không có thông dịch ngôn ngữ ký hiệu (NNKH), các em khó tìm việc làm hoặc công việc không ổn định. Nghề phù hợp với người khiếm thính là các công việc lao động chân tay nặng nhọc.
  • Nếu như trước đây, ít doanh nghiệp chịu nhận người khiếm thính vào làm việc, thì ngày nay, đã có nhiều công ty trực tiếp tìm tới trung tâm khiếm thính hay các câu lạc bộ khiếm thính để tuyển dụng lao động. Cơ hội mở ra, nhưng không phải người khiếm thính nào cũng nắm bắt được. Có em gái khiếm thính ở quê lên thành phố tìm việc, rất hăng hái và xin làm gì cũng được. Em được giới thiệu rửa bát đĩa tại quán cơm, nhìn khách đông đúc, em hoảng sợ và nhất định không chịu làm.
  • Trường hợp các em đã có công việc làm thì gặp khó khăn khác. Các em không giao tiếp được, quản lý/chủ và bạn đồng nghiệp nói không nghe rõ hoặc nghe nhầm dẫn đến làm sai và bị khiển trách. Các em cô độc trong môi trường làm việc và kết quả là bỏ việc.

Hiểu biết pháp luật :

Tôi có ghi nhận được một ý kiến là “Vấn đề đối với người khiếm thính dường như là vấn đề của riêng người khiếm thính, có vẻ như nó chưa đủ là vấn đề xã hộinên chưa được cộng đồng chú ý nhiều hoặc chính quyền quan tâm ủng hộ”.Đây chưa phải là vấn đề của xã hội hay là “Khiếm thính là khuyết tật ẩn và xã hội không giao tiếp được với người Khiếm thính nên, vấn nạn chưa được hiểu và chưa tìm được cách giải quyết?”

Người khiếm thính dù rất muốn tuân theo luật nhưng lại không có cơ hội hiểu luật – không được học và không tự học luật được do học vấn thấp. Một người khiếm thính được yêu cầu giết một người sẽ được thưởng cho tô phở 20.000 VNĐ. Một người khiếm thính vì giận bạn nhậu không nghe mình nói mà bỏ đi, coi khinh mình quá, tức giận không kiềm chế được hành vi, đã nắm một người bạn khác đang đứng bên cạnh quật xuống đất và bạn bị gãy cổ chết mà không biết … Người khiếm thính nào cũng khẳng định rằng nếu có làm gì sai, công an cũng cho qua, vì múa dấu công an không hiểu??? Mười chiếc xe gắn máy với 20 người khiếm thính chuyên cướp giựt tại Tp.HCM, không sợ tù tội vì có suy nghĩ công an bắt sẽ tha. Tất cả những dẫn chứng trên là vấn đề của riêng người khiếm thính hay của xã hội?

Thông dịch ngôn ngữ ký hiệu

Người khiếm thính cũng cần được tiếp nhận thông tin, có nhu cầu tham gia vào các hoạt động xã hội, có nhu cầu học nghề và tìm việc làm để kiếm sống. Họ cũng bị bệnh và cần được chăm sóc y tế. Họ cũng có khi phạm tội và đôi lúc phải ra tòa. Vấn đề là họ cần có thông dịch NNKH để tiếp cận được với các dịch vụ xã hội, để chất lượng cuộc sống được tốt hơn.

Lực lượng thông dịch Ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) hiện là con số rất khiêm tốn. Điển hình tại Tp.HCM, số người khiếm thính khoảng 3.550 người (Số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội năm 2006), số người có thể thông dịch được không quá 20, thông dịch viên có kỹ năng có thể phiên dịch tại những hội thảo lớn cho người khiếm thính có thể đếm trên đầu ngón tay. Con số này thật quá khiêm tốn và còn ít hơn số tòa án, bệnh viện hiện có tại Tp.HCM.

Người thông dịch NNKH, những người có thể hỗ trợ người khiếm thính tiếp cận xã hội, thì không được đào tạo một cách chính thức. Các thông dịch viên là người không khiếm thính (người nghe) học NNKH từ người Điếc qua tham gia sinh hoạt tại các Câu Lạc Bộ (CLB) của người Điếc hoặc là người thân của người Điếc. Khi không được đào tạo chuyên nghiệp thì chất lượng phiên dịch cũng không cao và như vậy người Điếc không hiểu hoặc không nhận diện rõ vấn đề.

Giao tiếp – hòa nhập

Vẫn còn nhiều người khiếm thính đang cô độc trong chính gia đình họ vì không giao tiếp được. Có người khiếm thính trên bốn mươi tuổi đầu chưa hề được đi học, không biết gì ngoài mấy tiếng ú ớ, gật lắc đầu. Gia đình kêu đi mua đồ thì viết trên tờ giấy. Anh sống cả đời ở xóm mà không ai biết tên gì, chỉ quen miệng gọi “thằng câm”. Đó là em gái khiếm thính, cũng đi làm như mọi người, nhưng vẫn được gia đình gọi là “chị câm”. Hay là em trai tuổi đôi mươi, chỉ biết gật đầu, lắc đầu và cười bẻn lẻn ...

Tôi có gặp một người mẹ dẫn con trai 10 tuổi, khiếm thính đang học hòa nhập lớp 5. Người mẹ lo khi con mình học cấp hai, có học tiếng Anh thì học như thế nào? Khi mới tới trung tâm của tôi, bé cười nói rất vui vẻ, nhưng một hồi sau, bé gục đầu xuống khóc. Bé còn nhỏ quá, đôi vai chưa đủ cứng cáp để mang gánh nặng cuộc đời, nhìn cảnh bé gục đầu, lưng cong lại, tôi không kìm được nước mắt và cảm giác xót xa. Ở tuổi lên 10, tôi không nghĩ bé cảm nhận sâu xa tình trạng khuyết tật của mình, nhưng chắc chắn là bé đã có kinh nghiệm bị chọc ghẹo và chịu đựng. Bây giờ, gặp môi trường có những người không nghe như bé, nói chuyện thân thiện làm bé giải tỏa được ức chế. Tối đó, tôi gọi điện hỏi thăm bé, mẹ bé bảo “bé vẫn còn hồ hởi lắm, rất vui và chuẩn bị cho việc học tiếng Anh”.

Những dẫn chứng trên cho thấy các vấn đề về người khiếm thính đang ở tình trạng báo động. Người khiếm thính thiếu môi trường học tập để phát triển các kỹ năng, thiếu sự hỗ trợ để xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, hòa nhập xã hội khó khăn và không nhìn ra giá trị bản thân. Khó khăn trong việc tham gia các khóa đào tạo việc làm, tìm việc và đi làm, chưa được chăm sóc về mặt y tế, sức khỏe tinh thần do thiếu thông dịch, người khiếm thính chưa được phát triển hết tiềm năng sẵn có.

Những vấn đề nêu trên cho thấy sự cần thiết của nhân viên xã hội với đối tượng người khiếm thính. Nhân viên xã hội khi làm việc với người khiếm thính không chỉ giúp đỡ dựa trên trách nhiệm, nghề nghiệp chuyên môn, vì tình người (dựa trên lòng tốt và những điều kiện thông thường) mà còn phải giao tiếp được, am hiểu về người khiếm thính và tâm lý của đối tượng này.

 Làm việc với người khiếm thính

  • Đạo đức nghề nghiệp

Ngành nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, làm việc với người khiếm thính cũng vậy. Người khiếm thính không nghe và nói được, hiểu sự việc chậm và không bao quát, NVXH đôi khi vừa là người bạn, người thầy, người chị/anh, … vừa là vú em, quản gia lo hết mọi thứ nhưng lại phải để cho thân chủ tự ra quyết định. Vấn đề nghe mâu thuẫn nhưng sự thật là vậy. Người khiếm thính, nhất là người Điếc, biết yêu cầu giúp đỡ nhưng lại ra điều kiện “phải hỏi ý kiến họ và phải để tự họ thích làm gì thì làm?”. Tôi có gặp trường hợp: có hai người đang nói chuyện với nhau, một người khiếm yêu cầu tôi dịch xem hai người kia đang nói gì. Dĩ nhiên là tôi không đáp ứng yêu cầu này mà giải thích làm như thế không tốt, không lịch sự. Thân chủ bỏ đi và không hợp tác nữa. Tôi đã nhiều lần giải thích và tìm cách hàn gắn lại mối quan hệ nhưng không được chấp thuận.

Đối với nước Mỹ và một số nước Phương Tây, người hỗ trợ người khiếm thính còn không được phép ngồi ngang hàng cùng người khiếm thính. Một câu hỏi của người khiếm thính đưa ra cho dù biết trả lời hay câu hỏi không phù hợp lắm, người hỗ trợ vẫn phải làm theo yêu cầu của người khiếm thính, không tự ý trả lời thay cho người khiếm thính.

  •  Kiến thức nền tảng

Một NVXH làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào của ngành CTXH cũng đều phải có kiến thức về lĩnh vực và đối tượng mà mình đang làm. Đối với lĩnh vực khiếm thính cũng vậy, vấn đề ở chỗ làm thế nào để giao tiếp được với thân chủ khiếm thính, tìm thông tin liên quan như thế nào và tìm ở đâu.

Nếu như ở các lĩnh vực khác, tâm sinh lý của thân chủ có thể tham khảo sách báo, học hỏi lẫn nhau vì ít nhiều đều có NVXH có kinh nghiệm, thì với lĩnh vực khiếm thính điều này là khó có thể. Sách báo về lĩnh vực khiếm thính khan hiếm, không giao tiếp được, học vấn của thân chủ thấp … làm thế nào giúp họ nhìn ra vấn đề? Một người khiếm thính nhờ giúp tìm việc nhưng chỉ đi làm trong thời gian ngắn là nghỉ. Lý do “Nhìn cái mặt người đồng nghiệp hút thuốc thấy ghét quá nên nghỉ” hoặc “Giám đốc làm biếng, giám đốc ngồi không, không làm gì cả mà có lương cao, không thèm làm nữa …”. “Chủ của em ác quá, em dẫn 4 người bạn vào làm việc mà chủ không nhận” …

NVXH cũng phải có kiến thức về giáo dục đặc biệt, thính học và những vấn đề liên quan tới thân chủ khiếm thính để khi gặp ca sẽ hiểu tại sao thân chủ lại có suy nghĩ và hành động như thế. Theo ThS. Nguyễn Hải Thượng (Quỹ dân số thế giới) “Các chương trình giáo dục được triển khai tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân trẻ khiếm thính cũng như cộng đồng xung quanh. Bất kỳ nội dung học tập nào áp dụng cho trẻ em nghe bình thường thì cũng có thể áp dụng cho trẻ khiếm thính với mục đích mỗi em có được cuộc sống độc lập sau khi tốt nghiệp phổ thông. Các em có khả năng tiếp cận đầy đủ các nguồn lực, học tập các kỹ năng sống và xây dựng lòng tự trọng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh vấn đề về giáo dục trẻ khiếm thính. Chưa có một chiến lược, phương pháp hay mô hình nào mang lại lợi ích cho tất cả trẻ khiếm thính”.

Các giáo viên dạy trẻ khiếm thính luôn gặp khó khăn khi giải thích cho trẻ hiểu một từ trừu tượng. Tư duy hạn chế, một người khiếm thính tuổi trên 20, nhưng có hiểu biết và tâm lý chỉ độ tuổi thiếu nhi (mẫu giáo hoặc tiểu học, tùy theo trình độ văn hóa) nhưng vấn đề họ cần NVXH giúp vẫn là vấn đề của tuổi trưởng thành. Một dẫn chứng “Dạ chào cô, em có đứa em bị khiếm thính từ nhỏ, giờ em nó 20 tuổi rồi, nhưng vì gia đình sợ em nó bị chọc phá nên không cho ra đường chơi. Giờ em nó lớn nhưng vẫn như con nít làm gì, đi đâu cũng phải có mẹ”. Vậy làm thế nào để trong một điều kiện nhất định về thời gian và năng lực, NVXH giúp được thân chủ khiếm thính tăng sức mạnh nội lực để giải quyết vấn đề?

  •  Kỹ năng cơ bản

Khi làm việc với người khiếm thính, ngoài điều kiện chủ quan “cách thân chủ giao tiếp, từ ngữ thân chủ có thể hiểu” … NVXH còn phải quan tâm đến các yếu tố khách quan như không gian, vị trí, nét mặt, cử chỉ, ánh sáng … ảnh hưởng đến hiệu quả của buổi trò chuyện.

Kỹ năng tiếp đến là sự kiên nhẫn, kiên nhẫn và thật sự kiên nhẫn. NVXH phải ý thức được rằng vấn đề của thân chủ có thể đã được giải thích, nói đi nói lại nhiều lần nhưng cuối cùng thân chủ vẫn cứ khăng khăng theo ý họ. Không phải họ không tôn trọng NVXH, cũng không phải họ không muốn hợp tác, mà là họ chưa đủ thời gian để hiểu.

Một chủ doanh nghiệp tâm sự “Tôi may mắn hiểu các em khiếm thính nhiều. Nhưng thú thật, khi gặp sự cố, nói chuyện với các em khiếm thính khó thiệt. Các em không có một kiến thức bao quát, các em bị giới hạn trong giao tiếp nên các em ít thông cảm cho người khác (nhung chuyện này tôi là người trực tiếp hứng chịu, các em chỉ nghĩ tôi là người xấu bụng). Nhưng nói chung, tôi thích làm việc với các em khiếm thính, tôi cũng mong trong tương lai có thể tìm được việc làm tốt hơn với mức lương khá hơn cho các em”

Phụ huynh khác thì tâm sự “Cho đến nay đã 4 năm tự học ngôn ngữ ký hiệu, 3 năm gắn bó với người khiếm thính nhưng sao còn nhiều điều tôi vẫn không hiểu tại sao? người khiếm thính họ vẫn tự tách mình ra khỏi cộng đồng cho dù tôi giải thích rất nhiều Tôi có một ví dụ, tôi cùng họ làm hoặc suy nghĩ một việc gì hay thiết kế một logo cho CLB chẳng hạn họ lúc nào cũng có một khái niệm "NGƯỜI KHIẾM THÍNH KHÁC NGƯỜI NÓI", hoặc là tôi thấy một bạn nam, một bạn nữ có hành động khiếm nhã nơi công cộng, tôi nhắc nhở và giải thích như vậy là không lịch sự, song họ nói người khiếm thính như vậy không sao. Thực lòng tôi rất trăn trở. Nếu vậy, có phải người KHIẾM THÍNH họ tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Tự mình đánh mất đi cái quyền được mọi người quan tâm và chia sẻ”.

NVXH không chỉ làm việc với thân chủ khiếm thính mà còn phải làm việc với gia đình họ, và đôi khi vấn đề gặp phải lại đến từ phía gia đình. “Một gia đình có con trai khiếm thính 30 tuổi, không được đi học, không nghề nghiệp không bạn bè. Gia đình nhờ khuyên em đừng đánh mẹ và em trai nữa, xấu hỗ lắm”. Người mẹ tâm sự “Tôi đâu để nó thiếu thốn, nói đói có cơm ăn, chán cơm thì xin mẹ tiền để ăn hủ tiếu, có nhà để ngủ, quần áo đẹp đầy đủ, nó còn muốn chi chứ? Ấy vậy mà lâu lâu lại đánh chửi me, em rai sót mẹ, nhảy vào can bị anh đánh luôn. Mỗi lần như vậy tôi rất xấu hổ với hàng xóm”. Tìm hiểu thông tin từ người mẹ thì được biết “T làm công việc nhà như nấu cơm, giặt đồ, rửa chén, lau nhà …, bình thường T rất vui vẻ làm việc. Chỉ khi T đi chơi hàng xóm về thấy người ta khác T, về nhà mẹ bắt làm công chuyện nhà, thế là T nổi nóng đánh mẹ”. Bản thân T chỉ nói một câu “Cô Hạnh, tại sao em lại khác người khác?”. Trường hợp của gia đình T, rõ ràng là người mẹ không hề hiểu con, không thông cảm với con và cũng không biết rõ con mình thật sự cần gì. Giải pháp cho vấn đề của T phải đi từ người mẹ.

Kết luận

“Người khiếm thính sao khó hiểu quá” đó là câu nói mà tôi thường xuyên nghe được. Với những dòng chia sẻ chân tình, tôi mong ngày càng cho nhiều anh chị NVXH làm việc với người khiếm thính, chia sẻ cùng người khiếm thính, truyền tải thông điệp từ người khiếm thính cho xã hội cùng biết, để mà, người khiếm thính không còn khó hiểu nữa./.

Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip