Kỹ năng tương tác trong dịch ngôn ngữ ký hiệu

Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) đã tổ chức họp nhóm thông dịch Ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) với chủ đề “Kỹ năng tương tác trong dịch ngôn ngữ ký hiệu” lúc 8 giờ sáng ngày 5/8/2012 tại công viên Tao Đàn. Tham dự họp còn có 7 học viên lớp NNKH nâng cao và thành viên của Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM. Buổi họp chia sẻ nội dung thiết thực nhằm nâng cao kỹ năng cho các bạn trong nhóm thông dịch tương lai.
 
 
NNKH có phải là ngôn ngữ không? Câu hỏi đầu tiên được đặt ra và hầu như mọi người đều trả lời phải. NNKH cũng giống như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hoa … Người khiếm thính như là một cộng đồng thiểu số có ngôn ngữ riêng của họ là NNKH. Nếu đã là ngôn ngữ thì NNKH có đặc tính riêng như bất cứ ngôn ngữ nào khác, đó là có hệ thống từ vựng, ngữ pháp, niềm tin, có tương quan xã hội và đạo đức trong dịch thuật.
 


Các thành viên nhóm 1



Các thành viên nhóm 2



Các thành viên nhóm 3



Các thành viên nhóm 4
 
Là một thông dịch viên hay mong muốn trở thành thông dịch viên NNKH trong tương lai, bạn hiểu như thế nào về từ “thông dịch” và “ phiên dịch”? Câu hỏi đặt ra được mọi người tranh luận một cách hào hứng, bởi vì, thật không gì thú vị bằng chúng ta biết rõ chúng ta là ai, thông dịch hay phiên dịch, và biết rõ công việc chúng ta làm. Thông dịch là quá trình chuyển ngữ từ ngôn ngữ nói sang cử chỉ điệu bộ, trong khi, phiên dịch là sự chuyển ngữ từ ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ ký hiệu. Và như đã nói ở trên về các hệ thống của NNKH, chúng khác so với cử chỉ điệu bộ. Ngữ pháp của NNKH có khác so với ngôn ngữ viết và khác như thế nào còn đang được nghiên cứu.
Buổi họp có phần thực hành phiên dịch theo nhóm nhỏ với các chủ đề “ Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký”, “Chị Sứ”, “Ai là triệu phú”, “An toàn về điện và phòng chống cháy nổ bếp gaz ”. Mỗi nhóm có một phong cách dịch khác nhau, dịch thoát ý hoặc còn phụ thuộc vào từng từ. Mỗi nhóm cử đại diện trình bày và học hỏi cách dịch lẫn nhau.
Khi đã hiểu về thông dịch và phiên dịch, cũng không phải thừa nếu cần biết thêm công việc của người phiên dịch là gì? Điều ràng buộc hay nguyên tắc cho nghề phiên dịch? Phiên dịch “cho” người Điếc? Phiên dịch “giúp” người Điếc? Phiên dịch “cùng” người Điếc? bạn thích thuật ngữ nào? Và vị trí của người phiên dịch trong quá trình dịch cho người Điếc? Ở các nước Phương tây, phiên dịch NNKH là nghề kiếm tiền cao gấp 5 lần so với dịch tiếng Anh bằng lời nói. Ở vị thế đó, người phiên dịch được xem là dịch cùng với người Điếc và ngang bằng với người Điếc. Người phiên dịch phải tôn trọng ý kiến cuả người Điếc, tránh nói hộ, trả lời hộ v.v… Dân trí cao, người Điếc cũng có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, kiến thức tốt, nên phiên dịch làm việc với người Điếc trên cơ sở tương đồng. Tại Việt Nam, vốn từ NNKH chưa đủ, cơ hội tiếp cận giáo dục của người Điếc còn hạn chế, người phiên dịch làm việc trên tinh thần hỗ trợ là chính, nên trong chừng mực nào đó chúng ta vẫn cần người phiên dịch giúp người Điếc.
Buổi sinh hoạt kết thúc với sự luyến tiếc của mọi người. Hi vọng trong chủ đề của tháng sau, chúng ta lại có những buổi sinh hoạt như thế này để cùng nhau vui vẻ, cùng nhau trải nghiệm một cuộc sống tươi đẹp và quan trọng là học được những điều mới từ những chia sẻ của mọi người, thắt chặt tình yêu thương trong cộng đồng.
 
 

Nguồn tin: Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)

Tin hoạt động CED liên quan

Mừng Xuân Giáp Thìn 2024
TẤT NIÊN 2023 CỦA EM
HỌC VẼ: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG (Tiếp theo)
HỌC VẼ: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip