Hòa nhập xã hội thật sự và trọn vẹn

Gần đây, khắp thế giới, ở đâu cũng hô hào, một xã hội hòa nhập cho người khuyết tật. Người khuyết tật cũng phấn chấn, cố gắng phấn đấu và hy vọng một cuộc đời mới, một tương lai đầy hứa hẹn … chúng ta đã hòa nhập.

Hòa nhập xã hội
 
Đã có người bảo: “Có ai cô lập người khuyết tật đâu?”. Đúng, xã hội không cô lập ai, chỉ có người khuyết tật chưa đủ tự tin để hòa nhập. Chưa đủ tự tin vì ngại ngùng với môi trường lần đầu tiếp xúc, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kỹ năng … đây có phải lỗi của họ? Không hòa nhập được vì thiếu cơ hội, thiếu kỹ năng, rào cản môi trường, rào cản trong giao tiếp …
 
Một tiến sỹ khiếm thính người Nhật chia sẻ “Vừa qua tôi đi máy bay của hãng hàng không Thái, tôi rất lấy làm lạ khi thông tin về chuyến bay được nói bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, vậy những người Thái đi trên máy bay hiểu thông tin như thế nào? Tôi thấy buồn cho người Thái …”. Vậy vấn đề không phải chỉ có người khuyết tật cần hòa nhập, người không khuyết tật cũng có lúc gặp trở ngại khi tham gia xã hội, vì các tác nhân bên ngoài.
 
Trong một hội nghị ở Châu Á Thái Bình Dương về Phục hồi chức năng và Chương trình Sống Độc Lập cho người khuyết tật, có một nhận định “khi bạn tham gia vào xã hội, bạn nhìn, bạn nghe, bạn hiểu … nhưng bạn không được tham gia đóng góp ý kiến, bạn không tự quyết định được vấn đề của bạn, thì … bạn chưa hoà nhập”.
 
Làm gì để hòa nhập xã hội thật sự và trọn vẹn?
 
“Em chào chị Hạnh. Em có chuyện với chị Hạnh nè. Em lo sợ mình ít biết chữ không nhiều như mọi người bình thường biết nhiều được. Em cũng sợ mình sẽ ngu dốt nữa. Làm sao em học thêm cho biết nhiều?”. Đây là nguyên văn tin nhắn của một em khiếm thính hỏi tôi, nhờ giúp em cải thiện tiếng Việt. Em là thợ phụ cho một tiệm làm tóc, thu nhập hàng tháng trung bình là 4,5 triệu. Em bắt đầu được với nghề thợ phụ do gia đình đã đầu tư 10 triệu cho em học nghề tại một tiệm làm tóc tư nhân, và sau khi học xong, em được tuyển dụng làm nhân viên của tiệm. Em cũng tâm sự với tôi rằng em chỉ có thể làm thợ phụ vì không nghe, không nói được, đồng nghĩa với việc, lương em không thể cao hơn dù em cố gắng mấy … Vấn đề của em là “đã hòa nhập xã hội nhưng chưa thật sự và trọn vẹn?”
 
Một em khiếm thính (nghe kém) tìm tới gặp tôi, em đang học Cao đẳng Công nghệ thông tin (CNTT), cha mất sớm, mẹ đơn thân nuôi hai con. Em là con trai trưởng, em gái học ở quê Bình Thuận và học giỏi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ con cùng ngồi lại và người mẹ bảo "Nếu con học được thì con học, nếu không thì cũng không sao, chỉ sợ con sau này không có việc làm mà thôi ". Thuật lại lời mẹ và em hỏi, cô cho em lời khuyên. Tôi biết em thích học CNTT, có khả năng học, chẳng qua là nhà không tiền, và tự nghĩ, bản thân mình là người khuyết tật, thay vì đầu tư cho em, mẹ nên lo cho em gái.
 
Chúng ta có nhiều cách bình luận về trường hợp của em “chính vì em khuyết tật, gia đình cần lo cho em hơn”; “Người mẹ nên động viên con đúng cách là - bằng bất cứ thế nào cũng phải cố gắng học, không được cũng phải được … như thế sau này mới có việc làm” hoặc “tại sao không tìm nơi nào hỗ trợ cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục việc học?” Em tâm sự với tôi “Em vẫn đang phân vân giữa những dòng suy nghĩ. Em sẽ làm gì sau khi nghỉ học ?? Học nghề để sau này đi làm hay là đi làm thuê ?? Thật không dễ dàng quyết định thế nào, để tạo hướng đi vững chắc cho mình”. Tôi đưa cho em hai địa chỉ có thể tìm học nghề CNTT: một miễn phí, một phải đóng tiền, nhưng tổ chức của tôi sẽ hỗ trợ kinh phí cho em đi học. Em cũng phân vân vậy em nên học ở đâu? Tôi gợi ý em nên tự đi tìm hiểu, ghi nhận lại những điều em thích và không thích từ các tổ chức em muốn học, thuận lợi và khó khăn nếu tham gia khóa đào tạo …, từ cơ sở đó, em tự ra quyết định. Chính em quyết định, em mới không hối hận vì đã học chỗ này mà không học chỗ khác. Hy vọng rằng, em sẽ hòa nhập xã hội thật sự và trọn vẹn trong tương lai khi đã biết “cách hòa nhập”.
 
Có rất nhiều em khiếm thính, khi đi làm không hòa hợp được với môi trường làm việc, dễ tự ái, không xác định được vấn đề nào quan trọng với cuộc đời mình “giận lẫy người khác chỉ vì cảm thấy xúc phạm (đây chỉ là cảm thấy)” hay là “cải thiện hoàn cảnh hiện tại, học hỏi nhiều hơn để phát triển bản thân, tự thay đổi mình để thích nghị với mọi người xung quanh”. Ngày chăm sóc và bảo vệ người khuyết tật sắp tới, hy vọng rằng có nhiều người khuyết tật thay đổi được hoàn cảnh sống và hòa nhập xã hội thật sự và trọn vẹn. “Cho dù suy nghĩ nào làm bạn đau khổ đi nữa, đó vẫn chỉ là suy nghĩ. Bạn có thể thay đổi được mà. Và khi bạn thay đổi, cuộc sống của bạn sẽ trở nên hạnh phúc".

 
(Theo internet)
 
Dương Phương Hạnh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip