Khởi sắc

Tôi dùng từ “Khởi sắc” để nói đến niềm hy vọng về một năm mới đầy hứa hẹn cho người khuyết tật Việt Nam nói chung và cộng đồng người khiếm thính nói riêng. Luật Người Khuyết tật được Quốc hội thông qua; Liên Hiệp Hội về Người Khuyết tật ra đời; Mạng lưới liên kết giữa các hội nhóm được thành lập; nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ hình thành … cho thấy cơ hội và khát vọng  “làm nên sự khác biệt”  của anh chị em chúng ta.

Đồng Tháp, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ, Quảng Trị … các em khiếm thính tập hợp lại thành lập câu lạc bộ. Các em đã có nơi để sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, buồn vui trong cuộc sống. Các em ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân với người khác và với tổ chức, tự tin tham gia và giao tiếp. Ở những địa bàn đã có hội của anh chị khuyết tật vận động và khiếm thị, thì việc câu lạc bộ khiếm thính hình thành và tham gia hoạt động chung thật sự có ý nghĩa lớn lao – tất cả đã là một khối thống nhất. Nếu như các anh chị khuyết tật vận động học ngôn ngữ ký hiệu và làm phiên dịch cho người khiếm thính thì hay biết mấy. Tôi đã được một tổ chức khiếm thính ở Anh gợi ý nên đào tạo người khuyết tật vận động làm thông dịch và thật sự thích ý tưởng này.

Nhà tài trợ VNAH cũng đã góp phần giúp cho các lãnh đạo Khiếm thính Việt Nam có cơ hội tham gia tập huấn tại Đà Nẵng trong năm, giúp mọi người học ngôn ngữ ký hiệu của nhau, hiểu nhau hơn, cùng ngồi lại bàn luận về việc xin thành lập Hội người “Điếc” Việt Nam, cũng như, có nên thống nhất ngôn ngữ ký hiệu hay không. Vấn đề “Có nên thống nhất ngôn ngữ ký hiệu ở Việt Nam hay không” dù đã được các chuyên gia, các nhà giáo dục bàn luận từ rất lâu, nhưng đó là cuộc bàn thảo giữa những người nghe bình thường, là ý kiến của nghe bình thường, xã hội vẫn quan tâm chính người trong cuộc – Người khiếm thính – có thật sự muốn thống nhất ngôn ngữ của họ không và tại sao. Nếu thống nhất, tiến trình sau đó phải như thế nào đảm bảo ngôn ngữ ký hiệu vừa thống nhất vừa cập nhật liên tục.

Tại hội nghị Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng khu vực Châu Á Thái Bình Dương lần thứ hai tại Philippine, một người khiếm thính Việt Nam – tôi – được chọn chia sẻ kinh nghiệm “sống độc lập” và việc thành lập trung tâm hỗ trợ người khiếm thính cũng tác động xã hội của tổ chức.

Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED), trung tâm đầu tiên và duy nhất hiện nay do người khiếm thính thành lập và phục vụ vì người khiếm thính là điểm khởi sắc hạnh phúc nhất đối với tôi. Chính khi có trung tâm này, tôi nhận thức rõ hơn thế nào là tác động xã hội. “Chào chị Hạnh ! Em là Tr ở Gia Lai. Bạn em giới thiệu chỗ chị có thể giúp đỡ cho nhóm trẻ khiếm thính của em, nhóm trẻ của em có 7 cháu khiếm thính , tất cả đều chưa có máy trợ thính vì gia đình không đủ điều kiện mua máy. Em biết không phải cứ xin thì sẽ được vì chúng em ở quá xa, nhưng nếu có cơ hội, xin chị đừng quên nhóm trẻ khiếm thính ở Gia Lai nhé!” CED chuẩn bị ra mắt quỹ hỗ trợ máy trợ thính cho trẻ khiếm thính nghèo và sẽ không quên các em ở xa.

CED tự hào vì được tin tưởng “Mẹ em do có tuổi nên nghe bị kém, vì thế, em muốn mua một cái trợ thính cho mẹ em, nhưng không biết nên mua loại nào. Nếu chị biết thì tư vấn cho em nhé”, hay “Tôi muốn tìm hiểu xem có cách gì để con tôi có thể nghe nói được và có thể đến trường như những đứa trẻ khác. Tôi hoang mang không biết điều đó có thể thành sự thật không?”.

Môi trường giáo dục luôn là nỗi lo của tất cả các phụ huynh “Em cũng chẳng biết sau này cháu có hòa nhập cùng các bạn để đi học được cái chữ cái nghĩa không, nhưng bây giờ thì em đang đầy hy vọng vì em thấy cháu thông minh nhanh nhẹn. Chị biết không, máy vi tính cháu đã biết bật tắt theo lệnh từ khi hai tuổi, đến giờ hai tuổi rưỡi biết phóng to, thu nhỏ, lướt web … Điện thoại của ông bà bố mẹ cũng biết sử dụng hết chị ạ, từ chức năng thu hình hay xem ảnh. Cám ơn chị vì có chị bên cạnh. Em mừng lắm vì đã gặp người bạn lớn trong cuộc đời, em có thể vững tâm hơn, học hỏi nhiều điều để quan tâm dạy dỗ cháu nên người. Em sẽ thường xuyên liên lạc với chị”.

Vừa rồi, tôi đi Củ Chi để tìm hiểu về việc học hoà nhập của một bé khiếm thính 7 tuổi. Bé khiếm thính sâu bẩm sinh, được can thiệp sớm nghe và nói tốt, tuy ít. Theo lời người mẹ, trước đây, bé học chuyên biệt tiến triển tốt, nên mẹ xin cho bé học hòa nhập. “Bé học hoà nhập không được sự quan tâm của giáo viên, bé chỉ la hét và chạy nhảy lung tung. Vì tội la hét mà giáo viên cho ngồi bàn chót gần lớp trưởng để được nhắc nhở. Bé vào học đã mấy tháng mà tập không một chữ …”. Tôi đánh giá rất cao mức độ quan tâm của người mẹ đối với việc học của con, người mẹ đi xe buýt tới trung tâm CED thường xuyên để nhờ hỗ trợ, chính vì tấm lòng người mẹ này mà tôi đã đi Củ Chi, tới nhà quan sát cách sinh hoạt của bé trong gia đình, tới trường để xem cách giáo viên dạy cháu và thái độ học tập của bé. Điều làm tôi bất ngờ là bé nghe mẹ nói, không cần nhìn mặt mẹ, vẫn có thể lặp lại rất đúng giọng và đúng nội dung, bé chỉ làm theo lời mẹ và không có “thói quen” trả lời bất cứ câu hỏi nào của người lớn, cho dù đó là ông bà ngoại. Gia đình có con em khuyết tật thường hay quan tâm lo lắng quá mức mà quên rèn luyện cho con mình ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình.

CED cũng có tiếp nhận một ca, em trai khiếm thính bẩm sinh 17 tuổi chưa từng đi học. Gia đình muốn CED giúp dạy em biết chữ. Em chỉ có các hành vi là gật đầu, lắc đầu, cười bẻn lẻn và chưa bao giờ đi đâu một mình. Bây giờ thì em có thể tự đi xe buýt, về tới nhà nhắn tin ngay cho CED biết. Một anh trai khiếm thính bẩm sinh 45 tuổi đang là học viên của CED cũng là một trường hợp thú vị mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn. Gia đình giàu có muốn cho con có cái chữ để sau này tự lo lấy thân. Anh không biết chữ, nhưng kiến thức về cuộc sống – có, ý thức về mối nguy hại cho bản thân – có, diễn đạt bằng cử chỉ điệu bộ cho người khác hiểu về nhu cầu của bản thân – có. Để cho anh học và nhớ được chữ rất khó khăn, may mắn là anh rất thích học. 
Các cô chú lớn tuổi bị mất thính lực tìm tới CED càng lúc càng nhiều. “Không hiểu tại sao tôi không nghe được nữa, tôi buồn lắm … Tôi không muốn làm phiền con cháu, nếu máy trợ thính hai triệu trở xuống tôi mới có thể mua”. Tôi nhớ mãi lời một bác trai “Tôi không nghe được lời con tôi nói, không nghe sao khổ quá, …” và khi về, bác nói “Thưa cô tôi về”. Sự trân trọng của Bác, sự kỳ vọng của nhiều người khiếm thính khác vào CED làm chúng tôi vững lòng tin hơn vào công việc mình chọn.

CED không thể một sớm một chiều giải quyết được hết nhu cầu của người khiếm thính, nhưng bằng sự tận tụy và trách nhiệm, CED thật sự mong muốn góp phần làm cho xã hội ngày một khởi sắc hơn. Cứ một thân chủ khiếm thính khi vào CED buồn bã, thậm chí là khóc và cả người thân đi theo cũng khóc, khi ra về môi nở nụ cười là niềm hạnh phúc là lợi nhuận mà CED gặt hái được.
Cầu cho năm con rồng mọi sự khởi sắc viên mãn.

Dương Phương Hạnh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip