Kỹ năng học tập cho học sinh nghe kém

Học tập cũng cần phải có kỹ năng. Học sao cho mau hiểu, nhớ lâu, không quá áp lực, phù hợp với năng lực cá nhân mà vẫn đạt điểm tốt là điều học sinh nào cũng mơ ước. Với một số học sinh, việc học có vẻ dễ dàng, một số khác thì không như thế, đặc biệt, các em học sinh nghe kém học hòa nhập luôn cảm thấy khổ sở trong việc học đơn giản bởi vì các em không biết làm thế nào để nghe được tốt.
 
Đừng trầm trọng hóa việc mất thính lực
 
Dĩ nhiên yếu điểm lớn nhất của các em là NGHE KHÔNG RÕ, chưa kể đến những khuyết điểm khác mà tất cả các học sinh đều có thể mắc phải như mau quên, chậm hiểu, mất căn bản, không biết cách suy luận … nhưng dù yếu kém kỹ năng nào đi nữa cũng cần phải nghe rõ đã. “Sao khổ thân em thế, em không nghe được cô giáo nói gì cả”, “… em buồn quá, ông trời thật bất công đối với em, bạn em ai cũng nghe hiểu được, chỉ có mình em không hiểu gì cả, chán thật …”. Đúng là buồn lắm khi không nghe được lời giáo viên giảng, không hiểu giáo viên kêu làm gì, bạn bè chán ngấy khi trò chuyện vì cứ một “hả” hai “gì” … , nhưng chắc chắn một điều là ngồi than thở cũng chẳng làm tai nghe tốt hơn.
 
Theo nhà vật lý trị liệu, Bà Wendelina Timmerman - Giám đốc Trung Tâm Hooridee, Hà Lan “Có nhiều nghiên cứu và minh chứng thực tế cho thấy rằng, người khiếm thính sẽ nghe tốt hơn với tâm trạng thoải mái, tin thần lạc quan vui vẻ”. Bà Wendelina Timmerman cũng là một người nge kém và Trung tâm Hooridee chuyên cung cấp những khóa tập huấn kỹ năng giao tiếp cho người nghe kém, đặc biệt là những bài tập thư giản tạo sự phấn khích, tư duy tích cực để sống và làm việc với việc mất thính lực.
 
Những người khiếm thính thành công trong cuộc sống đều là những người lạc quan có cuộc sống tích cực. I.King Jordan, mất thính lực lúc 18 tuổi, là tiến sỹ, hiệu trưởng trường đại học đầu tiên và duy nhất trên Thế giới dành cho người Điếc. Bà Sue Thomas mất thính lực khi mới biết đi, là chuyên gia khiếm thính chuyên đọc băng ghi hình tội phạm nổi tiếng của FBI. Ông Johan Hammarstrom mất thính lực dần từ lúc 4 tuổi, là phi công và đã lái máy bay vòng quanh thế giới kêu gọi người khiếm thính hãy nỗ lực sống, học tập và làm việc cũng như kêu gọi người nghe bình thường hãy tin rằng người khiếm thính cũng có thể làm được việc nếu cho họ cơ hội. Ông Marcel Bobeldijk, người Hà Lan, mất thính lực khi sinh, tốt nghiệp đại học, nói tiếng Anh lưu loát, hai mươi tuổi tham gia vào hoạt động của hội người nghe kém trẻ Quốc gia Hà Lan, sau đó là thành viên của Liên đoàn khiếm thính trẻ Quốc tế, chủ tịch Liên đoàn khiếm thính Châu Âu, thành viên tích cực của Liên Hiệp Châu Âu về quyền của người khuyết tật …
 
Tự giúp trước khi chờ người giúp
 
Vạch ra chiến lược học tập cụ thể cho bản thân là điều khả thi nhất trong tình huống không thể nào nghe rõ hơn nữa. Mua máy trợ thính phù hợp, ngồi bàn đầu, kết bạn học tập, nói với giáo viên về tình trạnh mất thính lực của bản thân, đề nghị các bạn nói từng người một khi họp hay thảo luận nhóm. Đôi khi thầy cô bạn bè quên là có học sinh khiếm thính trong lớp, cho nên cứ mạnh dạn, mọi nơi mọi lúc, nhắc nhỡ về tình trạng của bản thân. Nếu hiểu rằng các thầy cô không thể giảng bài chậm lại hay dành hết thời gian trên lớp vì một học sinh khiếm thính, các em sẽ không cảm thấy bị áp lực, bớt tủi thân, tinh thần học tập không bị giảm sút.
 
Các em học sinh khiếm thính phải nỗ lực gấp nhiều lần so với các bạn học trong lớp. Khi các bạn đua nhau trả lời câu hỏi của thầy cô, đóng góp ý kiến sôi nổi trong cuộc họp, các em khiếm thính có thể còn chưa biết được câu hỏi là gì hay thảo luận về vấn đề gì thì làm sao có ý kiến được. Để không cảm thấy lạc lỏng hay thua kém bạn bè trong những tình huống này, các em có thể đề nghị giáo viên viết câu hỏi lên bảng, nhờ bạn ngồi kế bên lặp lại câu hỏi của giáo viên, hoặc có một thỏa thuận, thấy em giơ tay có nghĩa em đã nghe câu hỏi và muốn trả lời.
 
Chúng ta không thể thay đổi cách mọi người nghĩ về chúng ta như thế nào, nhưng chúng ta có thể thay đổi bản thân theo hướng tích cực để làm thay đổi suy nghĩ của người khác về mình. Chẳng ai tiến bộ được nếu không muốn thay đổi, nhất là tính tự ti, thái độ thờ ơ, chỉ muốn người khác giúp mình vì mình khuyết tật.
 
“Khi bạn là người khiếm thính không có nghĩa là thành công của bạn bị giới hạn” (Dr. I King Jordan)
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

 

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip