Làm sao để tranh đi vào lòng người

Trương Quang Thuận sinh ra và lớn lên ở Thành phố Huế thơ mộng. Được gia đình phát hiện mất thính lực vào lúc 2 tuổi, dù không được can thiệp sớm hoặc tham gia chương trình giáo dục đặc biệt cho trẻ khiếm thính, Thuận vẫn học chung với những học sinh nghe tốt bình thường từ bậc phổ thông đến cao đẳng, từng bước một, trở thành giáo viên dạy vẽ và võ karate cho những người nghe tốt bình thường và cho cả người khiếm thính.

Con đường dẫn đến thành công
 
Khi Thuận lên 3, ba mẹ đưa Thuận đến Hà Nội nhờ trung tâm can thiệp sớm của Bệnh viện Tai Mũi Họng giúp cho Thuận nghe và nói. Thuận được phát hiện điếc nặng bên tai trái, tai kia có thể nghe 30%. Ban đầu, gia đình cũng mua máy trợ thính cho Thuận nhưng, Thuận không sử dụng được vì đau đầu, hoa mắt. Sau một tháng học tại trung tâm, ba mẹ đưa Thuận trở về Huế với 50 bài học thực hành. “Trong thời gian đó chúng tôi rất nghèo và phải lo kiếm sống, vì thế chúng tôi không thể trở lại Hà Nội nữa” Mẹ Thuận nói. Sau đó, mẹ Thuận đã làm nhiều cách để dạy con trai theo những bài học này. Đêm đến, trong một ngôi nhà nhỏ không có nhiều phòng, bên cạnh người bố đang ngủ sau một ngày làm việc nặng nhọc, Thuận cùng mẹ miệt mài học trong nhiều năm như thế. Lo ánh sáng có thể làm chồng thức giấc, mẹ Thuận đã dùng đèn pin rọi vào từng chữ để dạy cho con trai học. Người mẹ đã dạy con trai mình cho đến khi con tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hoá và Nghệ thuật Huế. Ở Việt Nam, trẻ Điếc không thể học hòa nhập được khi không qua tiến trình can thiệp sớm, nhưng gia đình Thuận lại làm được điều này. Thuận nghe bằng đọc tín hiệu môi, nói chuyện được và cũng biết ngôn ngữ ký hiệu.
 
Cùng với sự nỗ lực của mẹ, còn có những hỗ trợ hết lòng từ các giáo viên và bạn bè của Thuận. Đối với những môn học tự nhiên như toán, lý, hóa… giáo viên đưa cho mẹ Thuận các bài học trước để bà có thể dạy Thuận trước khi đến lớp. Luôn luôn có hai sinh viên xuất sắc ngồi cạnh và giải thích bài học cho Thuận trong suốt chương trình học. Ba mẹ Thuận cũng luôn khuyến khích những bạn bè Thuận tới nhà cùng học với Thuận. Ngoài ra, Thuận còn có ba chị gái luôn là người thầy, người bạn thân thiết của em trai mình.
 
Là người khiếm thính, Thuận gặp nhiều khó khăn trong việc chọn nghề nghiệp. Sau khi Thuận tốt nghiệp cao đẳng, Ba mẹ cố tìm một số nghề cho Thuận học như: may, điện, vẽ… Cuối cùng gia đình nhận ra rằng Thuận có năng khiếu vẽ, đặc biệt là tranh sơn mài. Bây giờ Thuận đã là ông chủ nhỏ của phòng tranh LightStar ở Huế và là giáo viên dạy karate và vẽ cho người nghe bình thường và người khiếm thính.
 
Tình yêu với người đồng cảnh
 
Có điều kiện tốt để phát triển khả năng cá nhân, nhưng Thuận không quên giúp đỡ mọi người. Thuận và gia đình hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục con khiếm thính cho những gia đình khác. Để tạo điều kiện cho con trai hòa nhập và giúp đỡ những người khác, gia đình đã xin trường Vĩnh Ninh, nơi Thuận theo học suốt những năm phổ thông, cho học sinh học vẽ và karate khi Thuận đã có kinh nghiệm dạy.
  
Hiện tại, phòng tranh Light Star của Thuận toàn là học viên và nhân viên khiếm thính. Một số trường hợp gia đình ở xa hoàn cảnh khó khăn, gia đình Thuận cho các em ăn ở chung trong gia đình và giúp đỡ như con em trong nhà, với suy nghĩ đơn giản “cho con trai mình có bạn” và Thuận hết lòng truyền nghề giúp các bạn có tay nghề vững vàng để kiếm sống.
 
Nỗ lực từ trái tim của chàng trai khiếm thính
 
Tình cờ qua báo Tuổi trẻ, gia đình Thuận biết ở Tp.HCM có giáo viên dạy vẽ, nhiều kinh nghiệm với trẻ khiếm thính. Gia đình Thuận đã liên lạc với thầy dạy vẽ và dẫn Thuận vào Tp.HCM tầm sư học đạo. Trong thời gian học vẽ tại tp.HCM, Thuận cũng tham gia vào câu lạc bộ khiếm thính Tp.HCM, và qua đó, ước mơ thành lập Câu lạc bộ Khiếm Thính Huế ươm mầm trong em.
 
Thuận đã nói “Tôi cố gắng học, để vẽ được những bức tranh đẹp mang nhiều ý nghĩa làm xúc động mọi người” Làm sao để tranh đi vào lòng người, đó là mục tiêu cho chàng trai Trương Quang Thuận nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
 
Chúc Thuận thành công với những ước mơ hoài bảo của mình.
 
Dương Phương Hanh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

 

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip