Thính lực và máy trợ thính

Khi sinh ra một đứa con, bậc phụ huynh nào cũng mong cho con mình xinh đẹp, thông minh và khỏe mạnh, mong cho chúng lớn lên học hành bằng chị bằng em. Trẻ em được cha mẹ chăm lo bảo bọc và chỉ có mỗi hoạt động chủ đạo là học tập vui chơi. Cho tới độ tuổi nhi đồng, trẻ học được rất nhiều ngôn ngữ và kiến thức từ người lớn và thế giới xunh quanh. Nhưng nếu chẳng may, trẻ bị mất thính lực hoàn toàn hoặc suy giảm khả năng nghe, thì chúng ta, những bậc làm cha mẹ, phải làm gì và có nên quá bi quan về tương lai của con mình?
 
Buổi nói chuyện chuyền đề về “Thính lực và máy trợ thính” do Giám đốc Công ty Dịch vụ trợ thính Quang Đức báo cáo tại Trường Chuyên biệt đã phần nào giải đáp được nỗi lo âu của các phụ huynh ở khía cạnh sử dụng và tận dụng hiệu quả tối ưu của máy trợ thính hiện đại để giúp trẻ giao tiếp được và học tập tốt, đặc biệt, trong một số trường hợp máy trợ thính giúp kích thích phần thính giác bị suy yếu giúp chúng hoạt động trở lại một cách hiệu quả.
 
Chắc chắn là máy trợ thính không thể nào thay thế được đôi tai của con người nhưng máy có thể giúp trẻ nghe được tiếng động và tập trung chú ý về hướng phát ra tiếng động. Trẻ được đeo máy trợ thính sớm kết hợp với việc học nghe và nói (còn gọi là can thiệp sớm) sẽ học được ngôn ngữ. Những thế hệ người khiếm thính lớn tuổi không có được may mắn tiếp cận chương trình can thiệp sớm cũng như có máy trợ thính để đeo, đều không nói chuyện được, học và tìm việc làm khó khăn, cuộc sống nghèo khổ. Chắc chắn rằng chẳng ai trong chúng ta muốn tương lai con mình sẽ như thế. Muốn thoát khỏi được bế tắc sau này cần phải chú trọng vào phòng tránh ở hiện tại.
 
Trẻ không tự biết tìm cách vượt qua khó khăn của chúng. Khi nghi ngờ trẻ có vấn đề về thính lực, gia đình cần tìm đến nhà chuyên môn để được tư vấn làm các xét nghiệm đo thính lực đơn âm, đo nhĩ lưỡng, đo âm ốc tai (OAE), đo điện thính giác thân não, đo thính lực đồ v.v… từ đó mà tìm ra biện pháp chữa trị và dùng máy trợ thính thích hợp. Số từ trẻ nói được khi 3 tuổi cho các trường hợp trẻ nghe bình thường, trẻ khiếm thính có đeo máy trợ thính được phát hiện sau khi sanh, sau 6 tháng tuổi, sau 2 năm lần lượt là 700, 500, 300 và 50 từ. Điều này cho thấy, nếu phát hiện càng sớm bé bị mất thính lực và có biện pháp can thiệp kịp thời, chẳng những chúng ta giúp trẻ có được cuộc sống bình thường như những trẻ khác mà còn mang lại cho con mình một tương lai tốt đẹp sau này.
 
Để điều trị mất thính lực, 95% trường hợp là dùng máy trợ thính vì đơn giản và linh hoạt. Cấy điện cực đường xương (BAHA) và cấy ốc tai thì rất tốn kém nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện được chưa kể đến việc cơ thể có thích ứng được hay không. Có một số trường hợp, một em trai đã gần 30 tuổi rồi là người Điếc, qua tham dự một hội thảo về chuyên đề khiếm thính, biết được Công ty Quang Đức đã tự tìm đến công ty để được đo thính lực đồ và mua máy vì em này thấy mình còn nghe được âm thanh.
 
Hiệu quả cũng như kinh phí máy trợ thính tùy thuộc vào kỹ thuật của máy (kỹ thuật tương tự-Analogue hay kỹ thuật số-Digital), số kênh (tối đa là 16), khả năng hiệu chỉnh máy và công nghệ xử lý âm thanh. Trở ngại lớn nhất trong việc tiếp cận máy trợ thính đó là giá thành. Giá quá cao so với mức thu nhập hàng tháng của người khiếm thính và của gia đình họ. Trung bình một máy trợ thính loại thường khoảng 1.8 triệu, loại sử dụng tương đối hai cái khoảng 7.5 triệu. vẫn có những em đeo hai máy giá 14 triệu, đắc tiền nhất là 40 triệu. Tuổi thọ của máy tùy thuộc vào cách bảo quản, nhưng chất lượng âm thanh chuẩn thì từ 3-5 năm, với trẻ là 2-4 năm.
 
Có nhiều suy nghĩ cho rằng, máy mắc tiền quá lại mau hư, trẻ không nghe thôi kệ không giúp gì được đâu, trẻ vẫn sống và khỏe mạnh … Cũng có những gia đình, kinh tế eo hẹp nhưng bằng mọi cách giúp cho con có được máy trợ thính: tìm sự hỗ trợ kinh phí từ người thân trong gia đình, từ bạn bè, từ những nhà hảo tâm, hội bảo trợ, các tổ chức phi chính phủ và từ chính những công ty bán máy trợ thính. Phụ huynh có thể tìm thông tin về các dịch vụ hỗ trợ cho con em khiếm thính của mình từ nhà trường, bệnh viện, các tổ chức của/hỗ trợ người khuyết tật như Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM, Chương trình Khuyết tật & Phát triển v.v…
 
Hãy giúp trẻ, đừng để trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
  
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip