Trung tâm đầu tiên và duy nhất của người khiếm thính tại Việt Nam

Tiếp theo sự ra đời của sách ‘Thế giới Người Khiếm thính”, cộng đồng người khiếm thính Việt Nam lại được tiếp thêm sức mạnh khi Đề án “Thành lập Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính” vinh dự nhận được giải thưởng của Chương trình Doanh nhân Xã hội do Trung Tâm Hỗ Trợ Sáng Kiến Phục Vụ Cộng Đồng (CSIP) kết hợp với Hội đồng Anh tổ chức và đang trong giai đoạn chuẩn bị mọi thủ tục hành chính để sớm đi vào hoạt động.

 
Không vui sao được khi mà cuối cùng rồi người khiếm thính cũng có một vị trí riêng cho dù rất khiêm tốn trong xã hội. Không phải là một tập đoàn hùng mạnh, không phải là một tổ chức chuyên nghiệp với những nhân viên đẳng cấp Pro chính hiệu, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính của những người khiếm thính và phục vụ vì người khiếm thính sẽ mang đặc thù riêng với phương châm “không ai hiểu ta bằng chính ta”
 
Hành trình đi tìm con đường cho người khiếm thính
 
Con đường tìm lối đi riêng cho mỗi cá nhân hay một tổ chức nào đó rõ ràng là rất khó khăn, bởi vì chúng ta bắt đầu từ điều không biết hoặc chưa biết chính xác. Chúng ta thường chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức lẫn nhau trong những lúc khó khăn. Một tổ chức thì các thành viên cùng ngồi lại với nhau đẩy ra chiến lược hành động, chia đều trách nhiệm và phần công việc cho nhau, hướng đến mục tiêu chung vì sự phát triển bền lâu và vững mạnh của tổ chức.
 
Người khiếm thính thì không được nhiều thuận lợi để dễ dàng tìm lối đi riêng cho họ, do bởi hạn chế tiếp cận giáo dục, nguồn kinh tế và cơ hội được cọ sát để có thể dám nghĩ dám làm. Các tổ chức của người khiếm thính thường chỉ tập trung vào việc học tiếng Việt, giao lưu, sinh hoạt, dạy ngôn ngữ ký hiệu. Ngoài các trường chuyên biệt và một số trường có nhận trẻ khiếm thính học hòa nhập, cộng đồng khiếm thính không thể tìm thấy các dịch vụ nào khác để giúp họ bước từ trường học ra trường đời, giúp họ rút ngắn khoảng cách quá cách biệt giữa thế giới không âm thanh và thế giới sôi động bên ngoài. Với phương châm, tìm đi rồi sẽ thấy, nhưng tìm từ đâu?
 
Sách lược “Người khiếm thính giúp người khiếm thính”
 
Cho tới nay, việc hiểu người khiếm thính vẫn còn là một dấu hỏi to tướng. Ở một vài khía cạnh nào đó, người khiếm thính có thể dễ tiếp cận, nhưng vẫn không ít trường hợp, cá nhân làm việc với người khiếm thính đã nỗ lực hết sức mình nhưng vẫn bất lực. “Cho đến nay đã bốn năm tự học ngôn ngữ ký hiệu, ba năm gắn bó với người điếc …nhưng sao còn nhiều điều tôi vẫn không hiểu tại sao? người khiếm thính họ vẫn tự tách mình ra khỏi cộng đồng cho dù tôi giải thích rất nhiều. Tôi có một ví dụ, Tôi cùng họ làm hoặc suy nghĩ một việc gì hay thiết kế một logo cho CLB chẳng hạn, họ lúc nào cũng có một khái niệm <Người Điếc khác người nói>. … Nếu vậy, có phải người KHIẾM THÍNH họ tự tách mình ra khỏi cộng đồng, tự mình đánh mất đi cái quyền được mọi quan tâm và chia sẻ”. (Lời tâm sự của một phụ huynh trẻ Điếc).
 
Một trường hợp khác “Sau khi được tư  vấn, chị thấy cháu có suy nghĩ hơn khả quan hơn không lo lắng khi chị đưa đi đến chỗ lạ chưa quen. Trước đây mỗi lần muốn đưa cháu đi đâu chị rất khổ, cháu giằng co chị bởi vì cháu không muốn tiếp xúc ai. Cháu sợ người khác biết khuyết điểm cuả mình. Khi đến câu lạc bộ, chị mới biết có rất nhiều cháu giống con mình. Khi về nhà cháu có vẻ suy nghĩ và hình như là vui hơn. Đến tối chị hỏi: <tuần tới con đi câu lạc bộ không?> Cháu đồng ý liền. Đây là bước đầu tốt chị rất mừng. Có nhiều vấn đề chị chưa hiểu được hết. Chị rất  mong  được chỉ vẽ thêm …”
 
Đọc những dòng băn khoăn trên của hai vị phụ huynh cùng có con khiếm thính, chúng ta thấy dường như người khiếm thính thích co cụm lại, thực tế thì thế nào? Ở trường hợp thứ hai, em gái khiếm thính thích nghi ngay với nơi có những người đồng cảnh như em và từ bước đệm này, em tiếp cận dần tới những nơi công cộng tuy chậm nhưng đã bớt phần dè dặt. Em đã được chia sẻ kinh nghiệm, được hướng dẫn từ những người giống em. Các bạn khác đã làm được thì em sẽ làm được, chính điều suy nghĩ này giúp em trút được nỗi lo.
 
Ở ví dụ thứ nhất, môi trường là Câu lạc bộ của người khiếm thính, và như vậy, người khiếm thính là số đông. Đa số thường có tâm lý lấn át thiểu số. Bản thân mỗi người có khuynh hướng khẳng định cái tôi của mình. Anh làm thế nhưng tôi thì làm cách khác, tôi có cách riêng của tôi. Trong phạm trù hiểu biết của người khiếm thính, nhưng điều gì đã xảy ra và họ thấy được, luôn được ghi nhớ. Trải qua nhiều năm tháng, kinh nghiệm sống từ “nhìn thấy” của họ cũng được tích lũy theo, tích lũy không loại suy, không nhận diện đúng sai, không nhận ra nhiều khía cạnh khác của vấn đề. Nên không có gì ngạc nhiên, khi họ luôn khẳng định “người Điếc khác người nói”. Và, chắc chắn rằng, người Điếc và người nghe bình thường hiểu “người Điếc khác người nói’ theo hai góc độ khác nhau.
 
Trở lại vấn đề rút ngắn khoảng cách giữa người khiếm thính và người nghe bình thường, chúng ta sẽ rút ngắn từ cả hai đầu, nếu muốn nỗ lực thực hiện là hiệu quả. Nhiều tổ chức, công ty, các cá nhân vẫn còn trăn trở không thể hiểu được người khiếm thính. Một cầu nối ở giữa rút dần khoảng cách này từ hai phía sẽ bền chặt và dễ thực hiện hơn ở các vị trí, góc độ khác. Trung tâm Tư vấn Giáo dục người Khiếm thính sẽ là cầu nối thúc đẩy việc hòa nhập cho người khiếm thính phù hợp và thiết thực nhất.
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip