Tư duy ở người Khiếm thính

Tư duy là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất và những mối liên hệ có tính quy luật của sự vật hay hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết. Trong quá trình tư duy, chủ thể phải suy nghĩ để tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi hoặc tìm giải pháp cho một vấn đề (Giáo trình Tâm Lý học Đại cương II, Khoa Tâm lý, Đại học Văn Hiến – Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Lộ). Theo Giáo dục Đặc biệt, tư duy không phải là trí thông minh, mà là sự trải nghiệm, là những gì chúng ta đã có kinh nghiệm, và qua đó, biết được câu trả lời khi gặp môt sự việc xảy đến với chúng ta.

 
Người khiếm thính không nghe, không nói được, thiếu ngôn ngữ và thông tin để hiểu và diễn đạt suy nghĩ. Việc tìm hiểu người khiếm thính có tư duy hay không; hoặc tư duy của họ như thế nào, có thể thực hiện được nếu có cơ sở để phân tích chứng minh.
 
Người khiếm thính có hay không qua trường lớp đều không hiểu về sự vật xung quanh, luôn không có câu trả lời, không biết giải pháp là gì và tại sao phải cần có giải pháp. Những chuyện gì xảy ra với họ nhiều lần, họ cứ làm theo như quán tính. Người khiếm thính nhìn người xung quanh làm như thế nào và làm theo, hỏi tại sao làm vậy, thì bảo là “người khác làm thế”. Khi lâm vào tình huống, đối mặt với vấn đề xảy ra, con người nghĩ cách giải quyết (phải trả lời cho câu hỏi mà vấn đề đặt ra, hoặc có giải pháp cho vấn đề), chưa biết giải quyết như thế nào thì phải tư duy, để tìm cho ra câu trả lời hoặc giải pháp cho vấn đề đó. Vậy đối với trường hợp người khiếm thính, họ đã không tư duy, họ chỉ làm theo vì người khác làm thế.
 
Một em gái khiếm thính, mẹ la vì đi chơi nhiều, ăn mặc hở hang. Em bảo là tại sao người khác đi được mà em đi không được, ăn mặc như vậy hấp dẫn có sao đâu. Em chỉ suy nghĩ đơn giản “người ta làm được có nghĩa là đúng mới làm, tại sao mẹ lại cấm, mẹ xấu quá”. Do em không nghe những lời bình phẩm về các cô gái đi chơi đêm, ăn mặc lòe loẹt (em gái khiếm thính này cũng không hiểu lòe loẹt hay xí xọn có nghĩa là gì, dù em đã học lớp 12), do em thiếu thông tin nên không biết là các bậc cha mẹ đâu có ai đồng ý với tình trạng con cái ham chơi, tụ tập bạn bè và em cũng không suy nghĩ là “mẹ thương em, mẹ la là có lý do gì đó, mẹ la vì điều đó không tốt cho em …”
 
NGHE là hoạt động tiếp nhận âm thanh mà con người có được, thậm chí, có trước khi sinh. Nghe phụ thuộc chức năng sinh lý của tai truyền những xung động lên não, là chức năng giác quan phát triển tự nhiên. LẮNG NGHE là tiến trình của tư duy, khả năng nhận thức điều được học và được thực hành. Lắng nghe chỉ bắt đầu khi trẻ cố gắng hiểu âm thanh trẻ nghe.
 
Với trẻ nghe bình thường, âm thanh lời nói qua tai rồi truyền lên não được ghi nhớ và trẻ nói được, nhấn mạnh vào việc luyện nghe, có thể tạo điều kiện phát triển việc học, xúc cảm và tương quan xã hội cho trẻ khiếm thính. Trẻ khiếm thính khi mới bắt đầu làm quen với máy trợ thính, chúng có thể nghe nhưng không hiểu.
Tư duy phản ánh hiện thực khách quan một cách gián tiếp, nghĩa là phải bằng ngôn ngữ và thông qua ngôn ngữ. Chúng ta tư duy bằng trí nhớ và ngôn ngữ. Người khiếm thính thiếu ngôn ngữ nên tư duy khó khăn.
  
Tư duy và ngôn ngữ
 
Nhu cầu giao tiếp của con người là điều kiện cần để phát sinh ngôn ngữ. Kết quả tư duy được ghi lại bởi ngôn ngữ. Ngay từ khi xuất hiện, tư duy đã gắn liền với ngôn ngữ và được thực hiện thông qua ngôn ngữ. Vì vậy, ngôn ngữ chính là cái vỏ hình thức của tư duy.
 
Ở thời kỳ sơ khai, tư duy đuợc hình thành thông qua hoạt động vật chất của con người và từng bước đuợc ghi lại bằng các ký hiệu từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn lẻ đến tập hợp, từ cụ thể đến trừu tượng. Hệ thống các ký hiệu đó thông qua quá trình xã hội hóa và trở thành ngôn ngữ. Sự ra đời của ngôn ngữ đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của tư duy và tư duy cũng bắt đầu phụ thuộc và ngôn ngữ. Ngôn ngữ với tư cách là hệ thống tín hiệu thứ hai trở thành công cụ giao tiếp chủ yếu giữa con người với con người, phát triển cùng với như cầu của nền sản xuất xã hội cũng như sự xã hội hóa lao động.
 
Người khiếm thính không thể giao tiếp được, không hiểu nghĩa các từ trừu tượng, ví dụ như lấp lánh, hy sinh, công đức, vành vạnh … Quá trình xã hội hóa của họ cũng không đầy đủ để giúp họ phát triển tư duy.
 
Tư duy và nhận thức
 
Tư duy là kết quả của nhận thức đồng thời là sự phát triển cấp cao của nhận thức. Xuất phát điểm của nhận thức là những cảm giác, tri giác và biểu tượng ... được phản ánh từ thực tiễn khách quan với những thông tin về hình dạng, hiện tượng bên ngoài được phản ánh một cách riêng lẻ. Giai đoạn này được gọi là tư duy cụ thể. Ở giai đoạn sau, với sự hỗ trợ của ngôn ngữ, hoạt động tư duy tiến hành các thao tác so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, khu biệt, quy nạp những thông tin đơn lẻ, gắn chúng vào mối liên hệ phổ biến, lọc bỏ những cái ngẫu nhiên, không căn bản của sự việc để tìm ra nội dung và bản chất của sự vật, hiện tượng, quy nạp nó thành những khái niệm, phạm trù, định luật... Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tư duy trừu tượng.
 
Tư duy là nhận thức lý tính nhưng vẫn có quan hệ mất thiết với cảm giác và tri giác, tức là với nhận thức cảm tính. Đó là vì, để tư duy về một sự vật hay hiện tượng, con người căn cứ cảm giác và tri giác đã có trước đó về sự vật hay hiện tượng đó. Tư duy độc lập, độc lập là bản chất đầu tiên của tư duy
 
Trong giáo dục trẻ khiếm thính, dạy trẻ cách suy nghĩ là một kỹ năng quan trọng để giải quyết vấn đề. Kỹ năng này cũng là nền tảng phát triển ngôn ngữ và vốn từ vựng ở mức độ cao. Chiến lược về nhận thức quan trọng được sử dụng với trẻ khiếm thính: giúp trẻ hình dung trong tâm trí của mình những gì trẻ nghe và diễn đạt thành lời những gì trẻ đang suy nghĩ. Một số cách để phát triển trí tưởng tượng và diễn đạt thành lời.
Các phương pháp có thể áp dụng dạy trẻ khiếm thính tư duy
 
Phân tích – Tổng hợp: là sự tách sự vật hay hiện tượng thành nhiều mặt, nhiều bộ phận kháu nhau để nhận thức bản chất và quy luật của từng mặt, từng bộ phận đó.Sự phân tích này diễn ra ở trong óc. Phân tích xong thì tổng hợp lại. Tổng hợp là sự hợp nhất các mặt, các bộ phận đã được tách ra khi phân tích sự vật, hiện tượng, cũng là sự tổng kết các bản chất và các quy luật của các mặt, các bộ phận đã được nhận thức trong khi phân tích để có sự kết luận về bản chất và quy luật chung của sự vật, hiện tượng đó trong sự toàn vẹn, chỉnh thể của nó.
 
Phương pháp này có thể áp dụng dạy cho trẻ tư duy. Ví dụ, khi thấy người khác té, thì dẫn trẻ khiếm thính đến, hỏi người đó tại sao té, có đau không và phân tích cho trẻ hiểu làm thế nào để không té.
 
            So sánh là đối chiếu mặt này, bộ phận này với mặt kia, bộ phận kia trong cùng một sự vật, hiện tượng , hoặc đối chiếu sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng kia để thấy những gì là cái chung giống nhau, và những gì là cái riêng khác nhau giữa chúng.
 
Chúng ta cho trẻ khiếm thính tập suy nghĩ khi ở vai trò người khác. Đọc truyện cho trẻ, cho trẻ sắm vai là những nhân vật trong truyện để phát triển khả năng tư duy ở trẻ.
 
Trừu tượng hóa – khái quát hóa: Trừu tượng hóa là sự gạt bỏ trong óc ta những gì của sự vật, hiện tượng mà ta cho là không quan trọng để chỉ giữ lại trong óc ta những gì mà ta cho là quan trọng, là thuộc về bản chất và quy luật của sự vật, hiện tượng mà thôi. Trừu tượng hóa để có thể khái quát hóa. Khái quát hóa là sự tìm ra những gì là cái chung đều có trong nhiều sự vật, hiện tượng để xếp các sự vật, hiện tượng đó vào cùng một loại với nhau và để gọi những sự vật đó bằng một khái niệm. Khái quát hóa là phương pháp không thể thiếu khi phân loại, xếp loại các sự vật, hiện tượng và khi định nghĩa khái niệm về một loại sự vật hay hiện tượng nào đó.
 
Chúng ta cho trẻ khiếm thính một món đồ chơi và yêu cầu trẻ nói về món đồ chơi đó. Hướng dẫn trẻ nhận biết bản chất và chức năng của đồ vật đó. Chức năng nào là quan trọng nhất đối với đồ vật đó và chúng giống hay khác với đồ vật khác ở chỗ nào.
 
            Cụ thể hóa là phương pháp tư duy được thực hiện sau khi đã trừu tượng hóa và khái quát hóa. Đó là sự tìm ra một sự vật cụ thể tương ứng với kết quả khái quát hóa, tức là một sự vật, hiện tượng cùng loại với tất cả các sự vật, hiện tượng đã được gọi bằng khái niệm có được từ sự trừu tượng hóa và khái quát hóa đó.
 
Bữa cơm tối trong gia đình là dịp dạy trẻ tư duy rất tốt. Mỗi người trong gia đình có thể lần lượt nói về một điều thú vị nhất trong ngày, để trẻ có cơ hội lắng nghe, hiểu biết, nhận thức đúng sai. Và cũng nên tập cho trẻ tự tạo cơ hội giao tiếp với người khác, trẻ sẽ biết rút kinh nghiệm qua việc thực hành.
Giao tiếp xã hội là cần thiết
 
Tận dụng thời gian trẻ chơi chung với ba mẹ và những người trong gia đình để luyện tư duy và kỹ năng xã hội cho trẻ. Tập cho trẻ biết khi muốn lấy vật gì đó phải xin phép, hay nói cho trẻ biết cảm xúc của người khác trong một tình huống cụ thể nào đó. Ví dụ, thấy một người khác té trẻ biết họ đau v.v… Anh chị của trẻ là người dễ nói chuyện với trẻ nhất vì đồng trang lứa. Ngoài ra, tất cả những người thân, họ hàng trong gia đình cũng có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội qua giao tiếp, giúp trẻ hình thành sự tự tin, biết bày tỏ cảm xúc và nói ra yêu cầu của bản thân. Tận dụng những khoảng thời gian xum họp trong gia đình để chia sẻ kinh nghiệm mà qua đó trẻ khiếm thính có thể học được trung thực nhất. Cũng cần giáo dục trẻ nhận thức về thính giác “tại sao mình khác với người xunh quanh” và “vấn đề này là rất bình thường”. Giúp cho trẻ khiếm thính tiếp cận nền giáo dục và những kỹ năng cần thiết để đạt được những tiềm năng mỹ mãn là – KHÔNG CÓ VẤN ĐỀ GÌ KHI HỌ SỐNG BẤT CỨ NƠI NÀO TRÊN THẾ GIỚI NÀY”./.
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

 

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip