Văn hóa Điếc

Khi nói đến người khiếm thính, chúng ta hình dung nhiều đến người Điếc. Và khi nói đến người Điếc thì không thể nào bỏ qua thuật ngữ VĂN HÓA ĐIẾC. Điều quan trọng nhất người nghe phải biết về văn hóa Điếc là gì?

 
Nếu ai đã từng biết về ngôn ngữ ký hiệu sẽ hiểu rằng, điều quan trọng hơn hết thảy, ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) phụ thuộc vào sự tiếp xúc qua ánh mắt. NHÌN THẤY để NGHE trò chuyện bằng NNKH. Sự giao tiếp bắt nguồn từ khuôn mặt, thân thể, bàn tay và cảm xúc và hướng trực tiếp đến người mình đang nói chuyện. NNKH là sự giao tiếp trực tiếp – mặt đối mặt.
 
Có thể tự học NNKH qua một tấm gương soi để theo dõi sự tiến bộ và sự nhạy bén về kỹ năng ra dấu. Nếu như ngôn ngữ của người Điếc là dựa vào khả năng nhìn thấy thì văn hóa Điếc cũng phải được căn cứ vào thị giác.
 
Văn hóa Điếc là hình thái cuộc sống mà điều tiên quyết của nó là ngôn ngữ ký hiệu. Văn hóa Điếc là cách sống, quan điểm, kinh nghiệm, kiến thức, những chuẩn mực đã trải qua và được truyền bá cùng với ngôn ngữ ký hiệu, chúng trở thành những vấn đề thông thường trong cộng đồng người Điếc.  
 
Mối quan hệ nhìn thấy
 
Giả sử trong cơ quan của bạn vừa tuyển dụng một nhân viên Điếc để giúp bạn thực hiện một dự án quan trọng. Bạn đến phòng của nhân viên mới này, cửa thì mở, và thấy nhân viên mới này đang say sưa làm việc bên máy vi tính lưng quay về phía bạn. Bạn làm gì? Làm thế nào để người Điếc này chú ý đến bạn? Bạn không thể gõ cửa, càng không thể kêu tên người đó – người Điếc không nghe được. Trong thế giới người nghe, thật là thô lỗ nếu tự tiện vào phòng một ai đó mà không báo trước, hay vỗ sau lưng một người lạ. Tuy nhiên, người nghe có thể nghe được tiếng bước chân của bạn bước vào phòng, có thời gian để phản ứng và quay lại, trong khi người khiếm thính thì không thể nghe có người đến gần. Vậy thì cứ tới và vỗ vào vai? Giải pháp nào tốt nhất để tiến đến gần người Điếc? Đụng nhẹ công tắc đèn và chờ. Điều này dễ làm người Điếc chú ý và có thời gian nhận biết sự hiện diện của bạn và sẵn sàng giao tiếp trước khi bạn bước vào không gian cá nhân của người Điếc. Tín hiệu nhìn thấy được là chìa khóa cho sự giao tiếp.
 
Nếu không thể tìm thấy công tắc đèn điện, hay vị trí công tắc điện không thuận lợi, bước vào phòng và vỗ vào vai người Điếc là điều có thể chấp nhận được. Trong văn hóa Điếc, chạm vào người Điếc là cách tốt nhất để giao tiếp khi không có những tín hiệu có thể nhìn thấy. Vẫn có người muốn có thời gian để phản ứng với sự việc. Ở nước ngoài, người Điếc thường đặt một cái gương nhỏ trên bàn làm việc của họ giống như kính chiếu hậu. Điều này giúp người Điếc có ý thức về những chuyển động trong phòng làm việc và không cảm thấy bị làm phiền từ phía sau.
 
Điếc và cộng đồng người Điếc
 
Điếc có nghĩa là gì? Hầu hết mọi người sẽ cho là Điếc có nghĩa là không nghe. Vài người thì đưa ra phân loại rõ ràng về mất khả năng nghe như khiếm khuyết về thính giác hay khả năng nghe mất đi … Quan điểm này dựa vào bệnh lý học nhiều hơn. Đối với cộng đồng người Điếc, Điếc không phải là bệnh. Nếu xem xét tật Điếc dựa vào bệnh học thì giống như một sự tẩy não đối với người Điếc (Diane P.Chambers, 1998, Communicating in sign) Điếc không phải là khuyết tật. Điếc chỉ là sự khác thường. Khái niệm Điếc được dựa vào ngôn ngữ học và nhân chủng học. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau và phải có sự tương tác, ít nhất là giữa hai người để hình thành văn hóa. Người Điếc ở các nền văn hóa khác nhau nhưng lại có suy nghĩ giống nhau, trong khi, người nghe thuộc các nền văn hóa khác nhau sẽ suy nghĩ về người Điếc khác nhau tùy thuộc vào cộng đồng người đó sinh ra và lớn lên.
 
Những quan niệm sai lầm về tật Điếc
 
Văn hóa Điếc chưa được biết đến nhiều, cũng có thể có người chưa từng gặp qua người Điếc. Đã có vài quan niệm sai lầm về tật Điếc và việc giao tiếp với người Điếc. Những quan niệm sai lầm này thường dẫn đến hiểu lầm khi một người Điếc tiếp xúc với người nghe. Sau đây là một vài quan niệm sai lầm thường gặp nhất:
 
Máy trợ thính phục hồi thính lực và giúp người Điếc hiều lời nói? Máy trợ thính không làm gì khác hơn là khuếch đại âm thanh. Vài người chỉ nghe được hoặc âm thấp hoặc âm cao. Máy trợ thính không thể giúp người đeo máy nghe được những từ chưa có trong bộ nhớ ở não chỉ bằng cách đơn giản là tăng âm lượng. Máy trợ thính cũng không thể giúp phân biệt và xử lý âm thanh. người Điếc có thể nghe tiếng động của môi trường, như tiếng xe chạy, tiếng còi xe …, và nghe được tiếng nói, nhưng không thể phân biệt được lời nói. Tuy nhiên, máy trợ thính là một công cụ quan trọng giúp cho người Điếc giữ mối liên hệ với môi trường xung quanh và cung cấp những tín hiệu quan trọng về những gì đã xảy ra trên thế giới quanh họ.
 
Người Điếc có thể đọc tín hiệu môi và hiểu hầu hết nội dung cuộc đối thoại? Hầu như tất cả người Điếc đều có vài lần đọc tín hiệu môi, và vài người trong số này thì đọc tín hiệu môi giỏi hơn người khác. Dù khả năng đọc tín hiệu môi như thế nào chăng nữa, đã có những nghiên cứu cho thấy rằng, người Điếc chỉ có thể “nghe” được khoảng 20 – 30% nội dung cuộc đối thoại bằng đọc tín hiệu môi, và cứ 10 từ thì “nhận diện” được 3 hoặc 4 từ. Với những âm trong cổ họng không thể hiện trên môi, rất khó và hầu như không thể đoán được. Việc đọc tín hiệu môi cũng bị chi phối bởi tiếng ồn xung quanh, người nói lấy tay hay tóc che mặt, người nói có râu mép hay râu quay nón, phòng thì quá sáng hay quá tối, người nói quay tới quay lui, nhìn xuống, hoặc quay lưng đi mà vẫn tiếp tục nói. Đọc tín hiệu có thể là một việc rất khó khăn, rất dễ mệt mỏi và đôi khi không chính xác. Tuy nhiên, vài người Điếc được giáo dục bằng lời nói vẫn giao tiếp bằng đọc tín hiệu môi. Ở nước ngoài, Người Điếc có thông dịch NNKH và lời nói. Thông dịch lời nói thường được sử dụng trong tình huống nhóm, như là hội họp có nhiều người phát biểu khi mà người Điếc không thể theo kịp cuộc đàm luận bằng đọc tín hiệu môi. Thông dịch lời nói được đào tạo nói các từ tròn tiếng, chuyển động hình môi rõ ràng và chính xác để người Điếc dễ đọc tín hiệu môi.
 
Người Điếc nên học nói? Với người Điếc sâu, học nói khi không bao giờ nghe được âm thanh cũng giống như cố gắng hình dung một nơi chưa bao giờ thấy trước đó hay với những cái không thể mô tả được. Thậm chí với một vài người Điếc có thể nghe được chút ít, vẫn phải mất nhiều năm để học nói những từ đơn giản nhất. Heather Whitestone, Hoa hậu Mỹ 1995, một thiếu nữ khiếm thính thông minh và tài năng, người đã mất nhiều năm chỉ để nói được cái họ mình cho chính xác. Cần nhiều thời gian và cả sự nỗ lực. Khi một người Điếc có thể nghe chút ít muốn học nói và dùng lời nói để nối kết họ với thế giới người nghe, thì cũng nên chấp nhận rằng, vẫn có người Điếc không thích học nói và cho rằng nói thì không cần thiết.
 
Người Điếc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu? Nhiều người khiếm thính không biết NNKH. Có người nghe được chút và kết hợp với đọc tín hiệu môi. Người mất thính lực do lão hóa thường không thừa nhận việc mất thính lực của mình. Hầu hết những ai sinh ra bị khiếm thính sớm hay điếc bẩm sinh đều học NNKH.
 
Người Điếc không thông minh bằng người nghe? Khả năng nghe không liên quan gì tới sự thông minh. Khi một người Điếc gặp khó khăn khi diễn đạt ý bằng cách viết hay lời nói, điều này không có nghĩa người đó không có khả năng hiểu, chẳng qua là người Điếc chưa phát triển ngôn ngữ đến chừng mực họ có thể đạt được.
 
Tất cả người Điếc đều giống nhau? Người Điếc cũng có những sở thích, khiếu thẩm mỹ, năng lực, và quan điểm như mọi người. Họ cũng có những ước mơ và mục tiêu vươn lên trong cuộc sống. Thế giới có tấm gương thành công như diễn viên đoạt giải Oscar Marlee Matlin; Athlete Shelley Beattie của kênh truyền hình Mỹ và là thành viên của đoàn thủy thủ chỉ toàn nữ thắng giải trong cuộc thi tranh cúp quốc gia; thi sĩ Clayton Valii nổi tiếng với lối đọc thơ bằng NNKH, và nhà giáo dục James Tucker – quản lý trường chuyên biệt Maryland.
 
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip