TẬP HUẤN “GIÁO DỤC TRẺ KHIẾM THÍNH: KỸ NĂNG ĐỌC TIN HIỆU MÔI” TẠI TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HÒA NHẬP TRẺ KHUYẾT TẬT DAKLAK.

 

Bà Dương Phương Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) được mời giảng dạy về “Giáo dục Trẻ khiếm thính: Kỹ năng đọc tín hiệu môi” cho 35 giáo viên và 15 phụ huynh Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Trẻ khuyết tật Daklak và 2 giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Trẻ khuyết tật DakNong trong hai ngày 11 và 12/10/2018 tại Trung tâm Daklak.

 

 

Chương trình tập trung vào kỹ năng dạy trẻ bằng phương pháp đọc tín hiệu môi và cách thức lồng ghép các môn học Toán, Chính tả, Tập đọc, Tập làm văn… vào phương pháp này khi dạy học để đạt được hiệu quả tốt nhất. Đồng thời bà Dương Phương Hạnh cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tiếp cận tâm sinh lý trẻ khiếm thính trong độ tuổi dậy thì cho các giáo viên và phụ huynh.


Các giáo viên và phụ huynh của hai tỉnh đã bày tỏ nhiều sự quan tâm làm thế nào để có thể hướng dẫn và cải thiện phương pháp dạy học hiện tại để giúp các em học sinh có thể hiểu và tiếp thu được cách truyền đạt. Các câu hỏi đặt ra xoay quanh các vấn đề như làm sao giúp các em sửa giọng, làm sao phát âm đúng, áp dụng cách gì để giúp các em có trình độ khác nhau trong cùng một lớp vẫn có thể viết đúng chính tả, làm sao học sinh khiếm thính có thể làm tập làm văn… và một số vấn đề về tâm sinh lý đối với trẻ khiếm thính ở tuổi dậy thì.


Cũng trong 2 ngày làm việc này, Bà Dương Phương Hạnh, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) kết hợp với Công ty Dịch vụ Trợ thính Quang Đức đo thính lực cho 123 học sinh khiếm thính của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập (TT HTPT GDHN) hai Tỉnh Daklak và DakNong. Việc đo khám thính lực được thực hiện tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Trẻ khuyết tật Daklak và Đoàn học sinh từ DakNong qua.

 

 

Thông qua buổi đo thính lực này, các con số đánh giá cho thấy phần lớn các trẻ khiếm thính ở đây điếc sâu và đều thuộc gia đình nghèo, nhiều em chưa bao giờ được đo thính lực và không có máy trợ thính để đeo:
     - 20% (trong số 109 em) học sinh Daklak có đeo máy nhưng không phù hợp (công suất yếu, hỏng) còn lại không đeo máy trợ thính.
     - 100% (14 em) các em học sinh DakNong thuộc gia đình nghèo không máy trợ thính để đeo. 

 

Mặc dù giáo viên của hai Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Tỉnh Daklak và DakNong rất có năng lực và tâm huyết, nhưng các em học sinh ở 2 tỉnh không có đủ máy trợ thính phù hợp thì thật sự rất khó cải thiện tình hình hiện tại và việc truyền đạt cho các em đạt được hiệu quả tốt nhất. CED đang cố gắng để phối hợp cùng với Trung tâm Daklak và DakNong giải quyết vấn đề trang bị máy trợ thính cho các em.

 


Tin CED

Tin hoạt động CED liên quan

Mừng Xuân Giáp Thìn 2024
TẤT NIÊN 2023 CỦA EM
HỌC VẼ: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG (Tiếp theo)
HỌC VẼ: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip