Tư duy tích cực

Mọi sự vật hiện tượng đều có tính chất hai mặt. Suy nghĩ của con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy: tích cực và tiêu cực. Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải thảm hoa hồng mà lắm ngổn ngang trăm mối khiến cho chúng ta đôi khi suy nghĩ tiêu cực. Một suy nghĩ tích cực có thể là chìa khóa hướng chúng ta tự tin, lạc quan, làm chủ hành động để xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống dễ dàng hơn. Điều này rất cần thiết đối với người Khiếm thính vì lẽ khuyết tật của họ có thể ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần.

Làm thế nào để giúp người Khiếm thính hiểu Tư duy là gì? Tư duy tích cực là như thế nào? tại sao phải Tư duy tích cực và phát triển Tư duy tích cực ra sao? Đó là lý do của buổi tập huấn kỹ năng sống “Phát triển Tư duy tích cực” do Cô Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính, Chủ tịch Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM và là nhân viên điều phối lĩnh vực khiếm thính của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tập huấn cho 14 tham dự viên nghe kém.
 

Buổi tập huấn mở đầu bằng hình ảnh một cây xanh chỉ có hai lá nhỏ vài giọt nước làm gợn sóng một biển nước mênh mông đang phơi mình dưới bầu trời trong xanh gợn vài đám mây trắng. Nhiều suy nghĩ được gợi mở, một khung cảnh đẹp, nên thơ, yên tĩnh; hình ảnh mãnh liệt của sự sống đang “đâm chồi” vì xung quanh tràn ngập sức sống, cây xanh ấy không hề cô đơn; hay đấy là hình ảnh luôn hướng về phía trước dù đường đời lắm gian truân. Đó là những suy nghĩ tích cực của các bạn tham dự viên và cũng chính là tư duy tích cực.

Qua sự liên tưởng trên ta thấy, tư duy không chỉ là suy nghĩ mà còn là một thái độ sống, một cái nhìn về cuộc đời và sự sống. Người ta thống kê rằng mỗi ngày trí óc ta sản sinh ra khoảng 30.000 đến 50.000 ý nghĩ và phân ra thành bốn nhóm: Tư duy tích cực, Tư duy tiêu cực, Tư duy lãng phí và Tư duy cần thiết. Tư duy tích cực chính là “sống tích cực”, “thái độ tích cực”. Cụ thể là, khi nhìn mọi sự vật, mọi vấn đề ta luôn luôn thấy cái hay, cái dở, cái tốt và xấu; nếu thấy cái xấu, chúng ta có khả năng biến điều xấu thành điều tốt và; luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi sự tốt đẹp hơn.

Đặc điểm của Tư duy tích cực là tập trung cái nhìn và tư tưởng vào cái tốt, nếu thấy cái xấu cũng phải tìm cho ra cái tốt trong cái xấu để tập trung tư tưởng vào đó; dùng cái tốt như là động lực thúc đẩy mình sống và làm việc, đi đến mục đích cuối cùng là làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Cuộc đời đây là cuộc đời của chính mình, và là cuộc đời của thế giới mình sống. Tức là, cái tốt vừa là động lực thúc đẩy mình sống, vừa là mục tiêu tối hậu của cuộc sống.
Qua phân tích của tập huấn viên cho thấy, Tư duy tích cực giúp chúng ta tìm ra một điểm sáng trong không gian tối mịt mùng, một lối đi nhỏ hẹp nhưng đến đích thành công bởi lẽ được cộng hưởng “sức mạnh ghê gớm” của con người. Tư duy tích cực có tầm quan trọng như vậy nên mỗi chúng ta cần rèn cho mình kỹ năng tư duy tích cực; đấy chính là, nhìn nhận vấn đề đa chiều, xây dựng các hình ảnh tích cực, sử dụng ngôn ngữ tích cực và sống có mục đích rõ ràng ví như câu châm ngôn “Hãy làm cho thế giới xung quanh của bạn mang hơi thở của những hình ảnh tích cực”.

Buổi tập huấn mang đến cho tham dự viên có cái nhìn tích cực về bản thân, khuyết tật chỉ là khuyết tật mà thôi; điều quan trọng là tự bản thân tìm ra cho riêng mình chiếc chìa khóa để mở cánh cửa bình an, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống./.
 

Nguồn tin: Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)

Tin hoạt động CED liên quan

Mừng Xuân Giáp Thìn 2024
TẤT NIÊN 2023 CỦA EM
HỌC VẼ: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG (Tiếp theo)
HỌC VẼ: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip