Dạy 'vẽ' tranh dây đồng cho người khuyết tật

Ba năm nay, chị Nguyễn Nhật Minh Phương, 34 tuổi, quận Gò Vấp mở lớp dạy nghề làm tranh dây đồng miễn phí cho người khuyết tật.

 

 

Trong căn nhà ở quận Gò Vấp, chị Nguyễn Nhật Minh Phương (thứ hai từ trái sang) mở lớp để truyền nghề làm tranh, đồ trang sức, lưu niệm bằng dây đồng cho người khuyết tật.

 

Ba năm qua, chị dạy nghề cho khoảng 50 người và lớp hiện tại có 10 người đang theo nghề, học viên được trả lương từ 5 đến 9 triệu đồng hàng tháng. Bắt đầu làm nghề từ năm 2001, chị Phương được tổ chức Guinness xác lập kỷ lục người làm tranh dây đồng đầu tiên tại Việt Nam.

 

"Nhiều lần đi tình nguyện, tôi thấu hiểu sự khó khăn của người khuyết tật, nên muốn giúp đỡ họ. Khi nghề vẽ tranh dây đồng của tôi được biết đến, có nhiều người muốn học nhưng tôi từ chối, chỉ dạy cho người khiếm khuyết", người phụ nữ từng là giáo viên mầm non kể.

 

 

Tranh dây đồng gồm các công đoạn như phác họa ra giấy, làm khung, họa tiết rồi quấn dây đồng và cuối cùng là đính vào nền của khung tranh

 

Cuối tháng 5, lớp đang hoàn thiện những công đoạn cuối của bức tranh về chủ đề Covid-19. Anh Trần Văn Tư (27 tuổi) phụ ghép các mang tranh nhỏ lại với nhau. Anh Tư là một trong những học viên đầu tiên, đang giữ nhiệm vụ quản lý lớp học.

 

Bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn nên tìm một một công việc có thể ngồi làm là cả niềm hạnh phúc với anh. "Trước đó tôi làm ở công ty thực phẩm, phải di chuyển trong xưởng nhiều, cực lắm. Tôi biết lớp tranh qua mạng, thấy hợp nên xin vô. Chị Phương dạy tận tình, đối xử tốt, tôi sẽ cố theo lâu dài để hoàn thiện nghề", người đàn ông quê Nghệ An chia sẻ.

 

 

Anh Lê Hữu Tài (35 tuổi) đang quấn các sợi dây đồng để làm bộ khung cho tranh. "Đây chỉ là khung của một họa tiết thôi. Bức tranh hoàn thiện thì cần rất nhiều khung như thế này. Dây đồng phải cứng và dày mới làm khung chắc chắn được", anh Tài nói.

 

Tài bị khuyết tật vận động, tham gia lớp được hơn một năm, trước đó làm về công nghệ thông tin. Khi đã "cứng" tay nghề, anh được giao thêm nhiệm vụ thiết kế, đồ họa bản vẽ phác thảo.

 

Dương Thị Mỹ Huyền (quê Quảng Ngãi) bị chứng teo cơ bẩm sinh. Huyền học về dược sĩ nhưng không thể tìm được công việc đúng với chuyên môn.

 

Hơn một năm tham gia lớp học của chị Phương, có những công đoạn vẫn cần chỉ dẫn nhưng Huyền đã làm được các bức tranh đơn giản, món đồ trang sức. "Làm tranh dây đồng khó nhất là khi quấn dây sai, phải gỡ ra lại rất cực. Tôi thấy nghề này hợp với mình và sẽ cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ", cô gái 25 tuổi cho biết.

 

Những cuộn dây đồng được nhập từ nước Mỹ và Nhật vì chất lượng tốt, dẻo lại nhiều màu sắc. Mỗi lần nhập một lô khoảng 300 kg. Trung bình một bức tranh "ngốn" từ 10 đến 30 kg đồng và mất khoảng hai tuần để hoàn thiện.

 

Chị Phương trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu với học viên Nhi Đồng (bên trái) và Thanh Thi. Chị chia sẻ, có nhiều bạn học nhanh, như Nhi Đồng rất có năng khiếu, chỉ sơ là biết làm. Nhưng để giỏi nghề cần lâu dài, cùng khiếu thẩm mỹ nên có nhiều người bị "đứt gánh giữa đường".

Đào Thị Thanh Thi (26 tuổi, bên phải) cho biết: "Học nghề này là niềm vui của tôi. Trước đó, tôi đi làm tóc nhưng mình khiếm thính, không hiểu ý khách nên bị chủ la mắng thậm tệ đến tuyệt vọng. Giờ gặp được chị Phương, biết dùng ngôn ngữ ký hiệu, giúp tôi chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống".

 

Thi và những học viên khác được chia thành nhóm để làm từng công đoạn khác nhau. Thi được giao quấn dây đồng vào bộ khung, theo đúng vị trí các mảng màu đã đánh dấu trong bản phác thảo.

 

Nhiều người khuyết tật khi ra nghề đã kiếm thêm thu nhập từ làm trang sức, phụ kiện dây đồng. Một số khác ở lại với chị Phương để làm tranh, vì công việc này cần theo nhóm và được trả lương.

 

Bức tranh Nam Phương hoàng hậu có giá 150 triệu đồng.

 

Nhiều năm theo nghề, tài sản của chị Phương là 70 bức tranh và đã bán được một nửa, với giá từ vài chục đến hàng trăm triệu. Chị cho biết, một bức tranh dây đồng đẹp ngoài màu sắc, bố cục hài hòa, đường nét mềm mại thì khó nhất vẫn là thần thái của đôi mắt.

Bức tranh "Cho đi" có giá 60 triệu đồng, do các học viên tự làm trong một tuần.

 

Các chủ đề trong tranh Đông Hồ như 'Đàn lợn âm dương', 'Đám cưới chuột'... cũng đều do các học viên làm từ đầu đến cuối.

 

Những bức tranh đắt nhất có giá từ 300 triệu đồng, nổi bật là hai tranh "Phật niết bàn" và "Voi con vì hòa bình thế giới".

"Những bức này tôi rất thích, mất gần một tháng để hoàn thành. Có vài người hỏi mua nhưng tôi chưa bán vì muốn để cho buổi triển lãm tranh dây đồng trong thời gian sắp tới", chị Phương nói.

 

Cũng theo chị, các sản phẩm tranh dây đồng được bán cho thị trường trong và ngoài nước hoặc mang đi đấu giá.

 

Nguồn: https://vnexpress.net

Tin trong và ngoài nước liên quan

NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 03/12
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2021)

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip