Nghệ nhân khiếm thính "thổi hồn" vào gốm qua đôi bàn tay trời phú

Dù khiếm thính từ nhỏ, nhưng nghệ nhân Phạm Anh Đạo ở làng gốm Bát Tràng lại được trời phú cho "đôi bàn tay vàng", biến nắm đất vô tri thành bình gốm tinh xảo.

 

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo sinh năm 1977, trong một gia đình có truyền thống làm gốm vuốt tay ở Bát Tràng. Trong căn nhà nhỏ nằm trên trục đường chính từ chợ gốm cổ Bát Tràng sang làng gốm Giang Cao, gian "mặt tiền" trưng bày những món đồ gốm đã hoàn thiện, còn phía sau khu nhà là xưởng sản xuất ngổn ngang các sản phẩm gốm vuốt tay đang chuẩn bị xếp vào lò nung.

 

Nghệ nhân khiếm thính thổi hồn vào gốm qua đôi bàn tay trời phú - 1

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo vuốt gốm từ năm 15 tuổi.

 

Do hạn chế trong việc nghe và giao tiếp, nên việc tiếp khách và bán hàng đều do chị Chinh (vợ anh Đạo) quán xuyến.

 

Kiên định với con đường gốm vuốt tay

 

Thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác, từ khi sinh ra, anh Đạo rất yếu, đau ốm triền miền và phải điều trị kháng sinh trong thời gian dài. Lên 5 tuổi, anh Đạo vẫn không biết nói, gia đình cho đi khám thì phát hiện anh bị khiếm thính.

 

Sinh ra trong gia đình có 3 thế hệ làm gốm, nên ngay từ nhỏ, anh Đạo đã làm bạn với những cục đất sét và chiếc bàn xoay rồi tập tành vuốt gốm. Làm ở xí nghiệp gốm Bát Tràng được vài năm, anh Đạo xin nghỉ và quay về nối nghiệp làm gốm thủ công của gia đình.

 

Thời điểm này, nghề làm gốm vuốt tay của làng Bát Tràng đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp đa dạng về mẫu mã.

 

Nghệ nhân khiếm thính thổi hồn vào gốm qua đôi bàn tay trời phú - 2

"Đôi bàn tay vàng" của nghệ nhân khiếm thính.

 

Cả làng Bát Tràng lúc đó chỉ còn một vài người còn gắn bó với gốm vuốt tay, đa phần là các cụ đã cao tuổi, chỉ riêng Phạm Anh Đạo là người trẻ vẫn say sưa, tỉ mỉ nặn, vuốt, vẽ các sản phẩm gốm.

 

Hạn chế về nghe nên anh không bị ảnh hưởng bởi những ồn ào, náo nhiệt bên ngoài. Nghệ nhân trẻ cứ mải miết với sự nghiệp sáng tạo của mình. Chỉ trong 5 phút, với chiếc bàn xoay, qua đôi bàn tay "trời phú", anh có thể "hô biến" những nắm đất vô tri trở thành những chiếc bình, lọ hoa… độc đáo.

 

Nghệ nhân khiếm thính thổi hồn vào gốm qua đôi bàn tay trời phú - 3

Kiên định theo đuổi con đường làm gốm thủ công cổ truyền.

 

Dù chị Chinh nhiều lần khuyên chồng chuyển sang làm gốm công nghiệp nhưng anh Đạo chỉ trung thành với gốm thủ công. Chị đành hy sinh và đứng đằng sau hỗ trợ để chồng theo đuổi đam mê của mình.

 

"Anh ấy yêu gốm hơn yêu vợ, làm quên ăn, quên ngủ. Những lúc anh có cảm hứng sáng tác thì không thể ngăn được", chị Nguyễn Mỹ Chinh (vợ anh Đạo) tâm sự.

 

Chị Chinh một mình loay hoay, tìm đủ mọi cách để bán sản phẩm của chồng làm ra. Phần lớn, chỉ có giới văn nghệ sĩ hiểu về nghệ thuật thì họ mới thích gốm thủ công vì nhìn nó xù xì, méo mó, không bóng bẩy, nhiều mẫu mã đẹp như gốm công nghiệp.

 

Trời không phụ lòng người, những chiếc bình gốm được làm kỳ công từ đôi bàn tay tài hoa của anh Đạo được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc (những năm 2005-2007).

 

"Không chỉ vui vì bán được hàng, mà còn tự hào vì sản phẩm gốm thủ công chồng mình làm ra được bạn bè thế giới đón nhận", chị Chinh chia sẻ.

 

Những chiếc bình gốm đến gần hơn với khách hàng qua những cuộc triển lãm, càng tìm hiểu càng mê bởi sự không trùng lặp, vì được làm bằng tay, nên không có sản phẩm nào giống nhau. Còn gốm công nghiệp làm theo dây chuyền, có khuôn sẵn nên cả 100.000 cái như nhau, chính vì vậy mà giá thành rẻ hơn nhiều so với gốm vuốt tay thủ công.

 

Sau nhiều năm lao động nghiêm túc, miệt mài, anh Đạo đã nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng danh giá: Bằng khen tài năng trẻ nghề gốm sứ Hà Nội (2004), Giải xuất sắc "Bàn tay vàng" nghề gốm sứ (2006), một trong 10 công dân tiêu biểu của thủ đô Hà Nội (2009), đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Toàn quốc (2009), Nghệ nhân Hà Nội (2011).

 

Đặc biệt, ngày 24/9/2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao Bằng xác lập kỷ lục Việt Nam cho "Cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất".

 

Đây cũng là sản phẩm gốm vuốt tay giá trị nhất, làm nên tên tuổi của anh Đạo. Cặp chóe được làm trong 1 năm, cao 2,3m, đường kính 1,3m. Tất cả các công đoạn được anh Đạo làm hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật vuốt cổ truyền của làng gốm Bát Tràng.

 

Người vợ âm thầm đứng sau giúp chồng tỏa sáng

 

Trong một lần xem anh Đạo trình diễn làm gốm thủ công, chị Chinh đã có cảm tình và không phải mất quá nhiều thời gian để đắn đo suy nghĩ, chị quyết tâm đến với anh mặc những lời ngăn cản của bố mẹ và những khó khăn đã nhìn thấy phía trước.

 

Nghệ nhân khiếm thính thổi hồn vào gốm qua đôi bàn tay trời phú - 6

Chị Nguyễn Mỹ Chinh, người ầm thầm đứng đằng sau giúp chồng tỏa sáng.

 

"Cái ngày đấy tôi cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ thấy thương anh thôi. Anh tuy hiền lành, như lo sau này con gái sẽ vất vả nên bố mẹ tôi ngăn cản nhưng tôi vẫn quyết định đến với anh", chị Chinh nhớ lại.

 

Sau 18 năm làm vợ anh, giọng của chị khản đặc, không còn trong veo như hồi con gái bởi hàng ngày phải nói to khi giao tiếp với chồng.

 

Để chồng được sống chọn với đam mê, chị Chinh là cây cầu nối anh với khách hàng: "Tôi sẽ tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, truyền đạt lại với anh rồi trao qua đổi lại đến khi hoàn thành sản phẩm thì thôi. Vợ chồng cũng có nhiều cái không hợp nhau, anh ấy không nghe thấy nên tâm sự, chia sẻ giữa 2 vợ chồng không được nhiều".

 

Trong cuộc sống gia đình, một mình chị kèm cặp, dạy dỗ 2 cậu con trai học hành hành: "Ngày mới lấy anh, tôi tủi thân lắm, cứ phải gồng lên để làm trụ cột của gia đình, che chở cho con và là cánh tay đắc lực hỗ trợ chồng nữa. Nhiều lúc mệt mỏi vô cùng, nhưng chỉ mất vài năm đầu thôi, bây giờ tôi quen rồi".

 

Sinh ra ở làng gốm, nên chị bắt nhịp rất nhanh, phụ chồng công đoạn vẽ, tráng men và bán hàng, anh Đạo chuyên về tạo hình, vuốt. Chị cũng thuê thêm 3 người thợ, thực hiện các cộng đoạn đắp, tiện, chỉnh sửa để hoàn thiện sản phẩm.

 

Nghệ nhân khiếm thính thổi hồn vào gốm qua đôi bàn tay trời phú - 8

Làm gốm thủ công mất nhiều thời gian hơn, vì không có máy móc hỗ trợ.

 

Người nghệ nhân khiếm thính ngày ngày vẫn say mê sáng tạo bên bàn xoay, anh không ngừng học hỏi từ cha của mình và những bậc cao niên làm gốm thủ công trong làng để cho ra những "tác phẩm" gốm tinh xảo hơn.

 

 

Nguồn: https://dantri.com.vn/

 

 

Tin trong và ngoài nước liên quan

NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 03/12
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2021)

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip