NGƯỜI ĐƯA ĐÒ CỦA TRẺ KHUYÊT TẬT

 

GD&TĐ - Cũng là cô giáo đứng trên bục giảng với những trang giáo án, nhưng học trò của cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Trường Chuyên biệt Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên) lại không bình thường như bao học trò khác, đó là những học sinh khiếm thính, em thiểu năng trí tuệ, lại có trẻ bị tự kỷ…
 
 
Không truyền tải kiến thức bằng lời nói, chữ viết, cô Huệ dùng ký hiệu ngôn ngữ với một tình cảm đặc biệt trong dạt dào cái tâm với nghề. 
 
 
 

Cơ duyên với trẻ khuyết tật

 

Sinh năm 1973, sau tốt nghiệp sư phạm ở tuổi đôi mươi, với bầu nhiệt huyết, yêu nghề, cô tình nguyện đến vùng núi Sơn Hoà xa xôi trắc trở cách thành phố Tuy Hoà hơn 40 cây số để dạy học.

 

Sau bốn năm đứng trên bục giảng với những trang giáo án đựợc thể hiện bằng lời với những giọng nói trong trẻo, nụ cười hồn nhiên của các cô cậu học trò miền núi Sơn Hòa, cô chuyển công tác về ngôi trường chuyên biệt được mang tên đầm ấm và hy vọng “ Niềm Vui” ở phố biển Tuy Hòa.

 

Cô Huệ tâm sự: Trước ngày đến trường nhận công tác, cô đã đến trước cổng trường ghé mắt vào song cửa sắt quan sát. Lúc này là giờ ra chơi lòng cô bùi ngùi cảm động, mắt nhìn đăm đăm vào những em bé miệng í a í ớ , tay múa qua múa lại liên hồi. Đây là những em bé khiếm thính – những mảnh đời nhỏ nhoi bất hạnh.

 

Sáng hôm sau, cô mang quyết định đến trường để nhận nhiệm vụ mới, một nhiệm vụ giảng dạy “đặc biệt” được giao tiếp với các em bằng kí hiệu ngôn ngữ riêng của các em, lòng cảm thấy vui vui và tâm niệm sẽ mang lại niềm hạnh phúc cho các em nhỏ thiệt thòi.

 

Gắn bó với công việc dạy và dỗ các lớp học sinh khiếm thính, cô Huệ dường như đã thấu hiểu được sự mất mát của những đứa trẻ không bình thường, có em khiếm thính, em thiểu năng trí tuệ, lại có trẻ bị tự kỷ… Thế nên, cô luôn dành một tình cảm đặc biệt về những học sinh khuyết tật. Cô luôn tự nhủ: “Lòng nhân ái là tình cao cả nhất”.

 

Cô Huệ chia sẻ: Hơn hai mươi năm trôi qua đã biết bao thế hệ học sinh “trung tâm” về với gia đình các em đã tự lập làm một nghề ổn định như: Em Nguyễn Duy Khiêm ở Quảng Ngãi là thợ may, chị em Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Thu Sinh là thợ làm giày tại công ty ở Đồng Nai… Và một số cặp đôi đã xây dựng hạnh phúc như cặp đôi em Nguyễn Văn Thịnh và Nguyễn Thị Tỏ, Nguyễn văn Phước và Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Tấn Khả và Nguyễn Thị Loan ….hầu như tất các các cặp vợ chồng này đều là học sinh của “trung tâm”. Cứ mỗi lần tham dự và chúc mừng một cặp học sinh “ đặc biệt” mà mình đã dạy nên duyên vợ chồng, cô lại nghĩ, nếu không có ngôi trường này thì làm sao các em tìm thấy hạnh phúc.

 

Trăn trở với từng bài giảng

 

Cô Huệ cho biết: Khiếm thính là một trong những đối tượng khó khăn nhất trong giáo dục đặc biệt. Do khiếm khuyết về thính giác thường đi liền với bệnh câm (còn gọi là trẻ câm điếc) nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về mọi mặt của trẻ, nhất là trong việc tiếp nhận giáo dục. Trẻ rất khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh và phát triển nhận thức của bản thân.

 

Để có được một giờ dạy tốt, cô phải “đầu tư” suy nghĩ thật nhiều phải nói như thế nào? Phải làm như thế nào? Phải dùng phương pháp gì đề dạy các em hiểu? sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, vừa dạy, vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, hứng thú với việc học?

 

Cô nỗ lực những giờ thao giảng, hội giảng cùng đồng nghiệp có chuyên môn vững vàng, những lần học tập huấn, những buổi họp chuyên môn….. để học tập, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy học cho trẻ khiếm thính. Sau một thời gian, các kỹ năng truyền đạt, dạy phát âm, ngôn ngữ ký hiệu, luyện nghe của cô dần được nâng lên. Giờ đây cô đã có lượng kiến thức vững vàng về chuyên môn, có cách dạy hay, dễ hiểu và đã đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp cơ sở nhiều năm.

 

Lan tỏa phương pháp GD học sinh khiếm thính

 

Từ thực tế giảng dạy trẻ khiếm thính, cô Huệ đã rút ra “Một số biện pháp dạy cho học sinh khiếm thính” nhằm giúp các em dễ hoà nhập vào cộng đồng.

 

Cô Huệ cho biết: Trước khi đón trẻ đến lớp, giáo viên cần có những sự chuẩn bị cần thiết. Đầu tiên, giáo viên cần phải hiểu được ít nhiều về trẻ: Hiểu về hoàn cảnh gia đình, về khuyết tật của trẻ, những khó khăn và thuận lợi của trẻ. Những hiểu biết ban đầu đó sẽ giúp cho giáo viên những chuẩn bị cần thiết để có kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh.

 

Trong lớp học cần bố trí học sinh ngồi theo vòng bán nguyệt, cô giáo là trung tâm, bố trí chỗ ngồi của học sinh theo bản đồ thính lực của từng em. Sau một thời gian phải thay đổi chỗ ngồi theo sự thay đổi thính lực đồ của học sinh.

Do mất hoặc suy giảm khả năng nghe nên trẻ khiếm thính rất hạn chế giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, nhưng trẻ có khả năng sử dụng nhiều phương tiện giao tiếp khác nhau để đáp ứng nhu cầu giao tiếp của mình. Vì vậy, đọc hình miệng có vai trò rất quan trọng trong quá trình giao tiếp với trẻ khiếm thính.

 

Rèn luyện kĩ năng đọc hình miệng cho trẻ khiếm thính là việc làm thường xuyên của giáo viên, được thực hiện trong tất cả các môn học, trong sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt trong khi giao tiếp với trẻ.

 

Khi thính giác của trẻ có vấn đề thì thị giác là con đường tiếp nhận thông tin của trẻ rất quan trọng. Khi nói, giáo viên phải nhìn thẳng vào học sinh, không nói với học sinh khi đang quay lưng về phía các em như: Vừa nói vừa viết, quay mặt vào bảng khi viết. Giáo viên là người trực tiếp dạy trẻ phải nói chậm và rõ, ngôn ngữ cô đọng súc tích, khi nói thì phải nói dứt khoát không cường điệu hình miệng.

 

Giáo viên nên nói chuyện nhiều với trẻ để tăng khả năng giao tiếp và vốn từ của trẻ. Khi nói chuyện với trẻ cần phải biết phối hợp các giác quan với nhau sử dụng ngôn ngữ cơ thể qua nét mặt cử chỉ điệu bộ.

 

Cô giáo nên sử dụng khuôn hình miệng cùng các hình thức giao tiếp bằng tay với trẻ như: Ngôn ngữ ký hiệu; Ngôn ngữ cử chỉ điệu bộ; Chữ cái ngón tay…

 

Khi sử dụng thuần thục giao tiếp bằng tay thì nó sẽ giúp trẻ tiếp nhận thông tin tốt hơn, nhanh nhạy hơn, nắm bắt tâm lý của người đối diện tốt hơn.

 

“Với trẻ khiếm thính, giáo viên cần vận dụng các phương pháp phát huy tính tích cực chủ động của học sinh; chú ý hơn về thực hành giao tiếp, lặp lại, tận dụng những tình huống cụ thể đang xảy ra để dạy trẻ sử dụng kí hiệu kết hợp với chữ viết và tiếng nói…Cũng như các môn học khác, khi dạy môn kí hiệu ngôn ngữ việc chuẩn bị tranh ảnh, đồ dùng dạy học để cho tiết dạy sinh động hứng thú. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể sử dụng powerpoint để giúp cho bài dạy của mình có hiệu quả hơn”, cô Huệ chia sẻ.

 

Nguồn: giaoducthoidai.vn

 

 

Tin trong và ngoài nước liên quan

NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 03/12
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2021)

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip