GIÁO DỤC TRẺ KHIẾM THÍNH Ở MỸ - SỰ PHỐI HỢP BA MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC (Kỳ 1)

 

Dương Phương Hạnh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED)

 

Là một người làm việc về lĩnh vực khiếm thính, nên khi có cơ hội trải nghiệm về việc giáo dục trẻ khiếm thính, tôi muốn chia sẻ những gì mình biết cho mọi người. Câu chuyện này liên quan tới cháu tôi. Cháu mới qua Mỹ vào 2/2020 và đã 6 tuổi. Cả đại gia đình, cả nhà cháu và thậm chí cả tôi nữa, không hề nghĩ rằng cháu bị khiếm thính vì cháu nghe nói rất bình thường, có chăng, đôi khi không thèm trả lời người lớn vì lý do “chắc không chịu nghe”, “trẻ con mà” v.v… và v.v…

 

Ai mới qua Mỹ cũng đều được yêu cầu khám sức khỏe và cháu tôi cũng thế. Chính qua quá trình khám này, cháu tôi được phát hiện mất thính lực nhẹ. Dãy tần số nghe của cháu như sau:

 

Hz

250

500

1.000

2.000

3.000

4.000

Tai phải

30 dB

20 dB

10 dB

10 dB

20 dB

40 dB

Tai trái

30 dB

20 dB

20 dB

35 dB

40 dB

35 dB

 

Với kết quả ngay từ lần đầu, cháu tôi đã được Bác sĩ thính học đề nghị đeo máy trợ thính do bảo hiểm chi trả 100%. Tôi đã được cả nhà hỏi ý kiến: cháu tôi cần hay không cần đeo máy trợ thính. Trước khi trả lời  câu hỏi của gia đình, tôi ngồi phân tích các yếu tố có thể xảy ra:

 

- Thứ nhất: do tình hình dịch covid, cháu tôi từ khi qua Mỹ không tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa nên việc phản ứng với âm thanh có phần chậm chạp chăng;

 

- Thứ hai: cháu tôi hay bị la là nghe nhạc, nghe video phim thiếu nhi Mỹ, … qua tai nghe quá lớn và nghe trong thời gian dài có khi cả ngày, ngày này qua ngày khác;

 

- Thứ ba: cháu không trả lời khi được hỏi thì mọi việc cho qua, có thể hình thành  thói quen “không thèm nghe” chăng?;

 

Và nữa cháu tôi chưa có kinh nghiệm đo thính lực.

 

Tôi đã đề nghị là xin đo lại trong 1 – 2 tháng sau và trong thời gian này, không cho cháu nghe tai nghe liên tục và lớn tiếng; phân công người trò chuyện thường xuyên hơn với cháu và yêu cầu cháu phải trả lời, không được im lặng.

 

Lần đo thứ hai rõ là thính lực cháu có tốt hơn nhưng vẫn là mất thính lực. Tôi lại xin cho cháu thêm 2 – 6 tháng nữa. Cuối cùng, chúng tôi phải chấp nhận việc cháu mất thính lực và cháu được tặng một cặp máy trợ thính miễn phí.

 

Chuyên viên thính học đã gửi cho gia đình chúng tôi một lá thư: (1) đánh giá kết quả mất thính lực của cháu; (2) đề nghị đeo máy như thế nào: đeo khi học luyện phát âm tiếng Anh, đeo khi học các môn khó và đeo khi học với giáo viên nói nhanh, …

 

Năm học 2021 – 2022 bắt đầu, giáo viên chủ nhiệm gửi cho gia đình cháu một tờ giấy và đề nghị chia sẻ tất cả những gì liên quan tới cháu để giáo viên có thể dạy cháu tốt nhất. Tôi lại được đề nghị thay mặt gia đình viết thư cho giáo viên. Tôi đã trình bày về các vấn đề sau:

 

- Cháu bị mất thính lực nhẹ và được chuyên viên thính học đề nghị đeo máy trong giờ học phát âm tiếng Anh, tiếng học văn, học môn khó (so với cháu), đeo máy khi giáo viên phát âm khó nghe, …

- Cháu bị mất thính lực nên cần được hỗ trợ NGHE;

- Cháu là người mới định cư, tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ nhất, cần hỗ trợ;

-Việc hỗ trợ cho cháu bao gồm các hoạt động trong và ngoài trường, các tiết học chính khóa và ngoại khóa bao gồm cả thể thao.

 

Vào ngày cuối tháng 9/2021, gia đình nhận được email của trường thông báo sẽ thành lập hội đồng đánh giá về khuyết tật của cháu và cần cha mẹ (1) đồng ý hay không, nếu đồng ý việc đánh giá khuyết tật thì ký tên vào Phiếu đồng ý (Consent Letter); (2) có tham gia vào hội đồng đánh giá hay không và ai trong gia đình sẽ tham gia.

 

Nội dung cụ thể như sau: “Hội đồng Giáo dục Quận đã nhận được yêu cầu từ nhà trường về việc đánh giá con của Ông/Bà để xác định cháu có khuyết tật hay không (khiếm thính và có nhu cầu về giáo dục đặc biệt) và các nhu cầu giáo dục dành cho cháu. Đội ngũ Chương trình giáo dục cá nhân này (The individualized Education Program – IEP) có trách nhiệm về việc đánh giá này và sẽ dẫn dắt buổi đánh giá không thu phí phụ huynh. Ông/Bà là thành viên của nhóm IEP. Ông/Bà có thể mời người có kiến thức hay chuyên gia hiểu về con của Ông/Bà vào nhóm IEP.”

 

Ông/Bà và con của Ông/Bà (nếu phù hợp) là thành viên của nhóm IEP

Sau đây là thành viên được Hội đồng Giáo dục Quận chỉ định tham gia vào nhóm IEP

Vai trò

Tên, nếu biết

Đại diện trường

Tên Hiệu trưởng …

Giáo viên Giáo dục đặc biệt

(Special Education Teacher(s))

Tên giáo viên dạy trẻ điếc/nghe kém

(Deaf/Hard of Hearing Teacher)

Giáo viên Giáo dục hòa nhập

(Regular Education Teacher(s))

Tên giáo viên chủ nhiệm

(Classroom Teacher)

Chuyên viên về các dịch vụ liên quan

(Related Services Personel)

Tiến sĩ …, Chuyên gia Thính học về Giáo dục (Educational Audiologist)

Khác (Others)

 

 

Thư cũng ghi rõ, nhà trường có thể chỉ định thành viên trường tham gia vào nhóm IEP, nếu đáp ứng tiêu chuẩn.

 

Tôi đă đăng ký tham gia vào nhóm IEP này và hy vọng sẽ có những thông tin hữu ích chia sẻ tiếp vào kỳ sau.

 

New Berlin, WI, ngày 03/10/2021.

 

 

 

 

Tin trong và ngoài nước liên quan

NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 03/12
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2021)

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip