Gặp mặt phụ huynh tháng 2/2012

Nhằm nâng cao năng lực và tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục trẻ Điếc cho phụ huynh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) đã tổ chức buổi gặp mặt đầu năm vào lúc 14 giờ thứ Bảy ngày 11/02/2012 tại văn phòng Trung tâm số 4, Nguyễn Thị Huỳnh, P.8, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM.
 
Mở đầu cuộc gặp gỡ thân tình này, giám đốc Trung tâm CED - Bà Dương Phương Hạnh giới thiệu một số dịch vụ giáo dục mới của Trung tâm:
-     Dịch vụ can thiệp sớm nhằm mục đích luyện nghe, nói cho trẻ khiếm thính từ 0 – 6 tuổi để giúp trẻ giao tiếp và học tập tốt
-   Dịch vụ hỗ trợ học đường là dịch vụ gắn liền trong suốt quá trình học tập của trẻ. Dịch vụ này cung cấp người hỗ trợ trẻ khiếm thính trong suốt những năm trẻ đến trường. Người hỗ trợ có thể phối hợp với các giáo viên của trẻ để tìm ra phương pháp giáo dục tối ưu cho trẻ, giảng lại những bài trẻ chưa hiểu, phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu…
-     Chương trình đào tạo “Thực tập sinh” nhằm xây dựng năng lực và kỹ năng làm việc cơ bản cho trẻ khiếm thính sau khi rời khỏi trường học. Với chương trình này, trẻ sẽ có đủ tự tin và tác phong chuyên nghiệp để bắt đầu một công việc thực thụ
 
Bên cạnh đó, Bà Dương Phương Hạnh còn chia sẻ và giải đáp những thắc mắc liên quan đến phương pháp dạy nghe, nói và phát triển tư duy cho trẻ khiếm thính. Bà Hạnh cho rằng: Nếu muốn các bé khiếm thính nói và nghe tốt thì trước tiên các thành viên trong gia đình phải là “máy phát, thu thanh” của bé. Mọi người trong gia đình phải thường xuyên nói chuyện với bé, nói chậm và rõ khẩu hình miệng; luôn luôn khuyến khích bé nói và chỉnh sửa cho bé khi bé nói sai… Để phát triển tư duy cho trẻ, phụ huynh phải giúp trẻ hình thành thói quen luôn đặt câu hỏi “Tại sao?” Để làm được điều này, chính phụ huynh phải là người luôn luôn chất vấn trẻ, hỏi trẻ càng nhiều càng tốt vì như vậy trẻ buộc phải động não và dần dần tự mình đặt các câu hỏi để tìm hiểu vấn đề.
 
Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục trẻ khiếm thính, bà Phương Hạnh còn giải đáp những thắc mắc về máy trợ thính cho phụ huynh. Những câu hỏi phụ huynh đặt ra xoay quanh việc đo thính lực ở đâu, độ tuổi nào thì nên đeo máy trợ thính, vì sao trẻ hay tháo máy trợ thính ra khỏi tai...


Phần phụ huynh cùng chia sẻ kinh nghiệm diễn ra thật hào hứng, cởi mở. Mọi người cùng trò chuyện với bé Đinh Mạnh Khương (Khiếm thính) và mẹ – một minh chứng điển hình cho sự giáo dục thành công của gia đình. Chắc chắn rằng nhìn vào sự phát triển của bé Khương, các bậc cha mẹ có thể hy vọng và tin tưởng vào tương lai của trẻ khiếm thính. Bên cạnh đó, từ những kinh nghiệm của mình, phụ huynh cũng rút ra nhiều bài học quý giá. Đó là, nếu muốn trẻ khiếm thính nghe, nói, phát triển tư duy và học tập tốt thì phụ huynh và gia đình của trẻ phải là lực lượng tiên phong và chủ đạo trong quá trình giáo dục trẻ. Vì sự phát triển của trẻ khiếm thính không thể có được trong một thời gian ngắn, phụ huynh cần luôn kiên trì, nhẫn nại và nỗ lực hết mình, cũng như không ngừng động viên khuyến khích con em mình tiến bộ. Việc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với nhau và phối hợp với nhà trường và các trung tâm của người khiếm thính cũng vô cùng cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.
 
      Ngoài ra, phụ huynh cũng bày tỏ nhiều sự quan tâm đến việc can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính. Họ hiểu được rằng can thiệp sớm rất quan trọng đối với sự hình thành, phát triển ngôn ngữ nói, cũng như những kỹ năng sống cơ bản cho trẻ. Nó giúp trẻ được chuẩn bị thật tốt trước khi vào lớp 1 chuyên biệt hoặc hòa nhập. Nhiều phụ huynh đặt tin tưởng và đăng ký dịch vụ Can thiệp sớm tại CED với mong muốn con em mình sớm được hưởng một môi trường học tập tốt nhất.
 
Buổi gặp gỡ và trao đổi này đã mang lại cho phụ huynh những suy nghĩ tích cực, nhiều niềm tin và hi vọng vào quá trình dưỡng dục con em là trẻ khiếm thính.

 
Nguồn tin: Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)

Tin hoạt động CED liên quan

Mừng Xuân Giáp Thìn 2024
TẤT NIÊN 2023 CỦA EM
HỌC VẼ: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG (Tiếp theo)
HỌC VẼ: VẼ TRANH TRỪU TƯỢNG

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip