Người khiếm thính gặp khó khi đi khám chữa bệnh

Người khiếm thính gặp khó khi đi khám chữa bệnh

 

(PLO)- Do không thể giao tiếp nên mỗi lần đi khám bệnh, người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn. 

 

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) đã triển khai dự án “Thúc đẩy việc hỗ trợ pháp lý ban đầu và thực hiện chính sách thăm, khám chữa bệnh người khiếm thính” do Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp JIFF - Oxfam tài trợ. 
 

Người khiếm thính gặp khó khi đi khám chữa bệnh - ảnh 1

 Một lớp học ngôn ngữ ký hiệu do CED tổ chức. Ảnh: CED
 
Thức suốt đêm để quan sát bệnh trạng
 
Dù đã 18 tuổi nhưng Nguyễn Đức Trọng (quận Tân Phú, TP.HCM) đi đâu cũng có người thân kèm do bị khiếm thính bẩm sinh. Công việc bận rộn, chị Đặng Thị Mỹ Ngọc, mẹ Trọng, cũng không có thời gian theo học các lớp ngôn ngữ ký hiệu, chỉ hiểu cơ bản những ý muốn của con.
 
 
Mới đây, chị Ngọc đưa con đi chích ngừa. Nhìn thấy kim tiêm, Trọng sợ hãi nhưng bác sĩ không biết giải thích thế nào. Chị Ngọc phải vỗ về con cả tiếng đồng hồ thì Trọng mới chịu chích. “Con cũng lớn rồi, sau này phải tự lập, mẹ không thể kè theo mãi. Nếu chẳng may vào bệnh viện (BV) cấp cứu, không thể bút đàm mà bác sĩ cũng không hiểu con thì tôi làm sao mà an tâm được” - chị Ngọc lo lắng.
 
Nhìn người anh khiếm thính biểu diễn ký hiệu bài hát Sống như những đóa hoa, chị Lê Thùy Thảo Nguyên, em gái anh Lê Vũ Thế Vinh (38 tuổi), không giấu nổi những giọt nước mắt. 
 
Chị Nguyên chia sẻ đây là lần đầu tiên anh được hòa nhập, được đứng trên sân khấu. “Anh Vinh bị câm điếc từ năm bốn tuổi. Do nhà ở đảo Phú Quý (Bình Thuận), không có cơ sở dạy cho người câm điếc nên gia đình đành phải để anh ở nhà. Lúc nhỏ anh rất vui tính nhưng đến tuổi dậy thì, nhận ra khiếm khuyết của bản thân, anh rất dễ cáu bẳn, dẫn đến rối loạn cảm xúc phải uống thuốc” - chị Nguyên kể. 
 
 
Cách đây một năm, chị Nguyên đưa anh vào TP.HCM sống và rất vất vả khi tìm một đơn vị dạy hòa nhập cho người khiếm thính lớn tuổi. 
 
“Hồi nhỏ đến lớn hai anh em toàn tự ra dấu với nhau. Ngày đầu đi học ở CED, anh rất sợ và dặn tôi nhớ đến đón đúng giờ. Sau một tháng anh rất vui, thường ra dấu là giờ mới biết cộng đồng không nghe được nhiều như vậy” - chị Nguyên kể. 
Theo chị Nguyên, ngoài khó khăn về giao tiếp xã hội, người khiếm thính còn gặp nhiều bất tiện khi đi khám chữa bệnh. Anh Vinh hay ốm nhưng chưa lần nào chị đưa anh đi BV công lẫn tư mà có người phiên dịch cho người khiếm thính. “Nhiều khi muốn đưa anh đi khám, tôi phải thức suốt đêm để quan sát triệu chứng bệnh và hỏi anh cặn kẽ đau ở đâu rồi mới đưa đến bác sĩ. Bác sĩ khi khám thì cũng nhìn chỉ số y khoa, xét nghiệm rồi cho thuốc. Tôi sợ có gì đó tiềm ẩn trong người mà anh không thể chia sẻ cho tôi hiểu hết” - chị Nguyên chia sẻ. Chị mong muốn ngoài cần người phiên dịch, cộng đồng người khiếm thính rất dễ gặp phải những vấn đề về tâm thần, cần được hỗ trợ kịp thời. 
 
Chỉ chín BV ở TP.HCM có thông dịch viên
 
Báo cáo về dự án hỗ trợ người khiếm thính, ThS Võ Quốc Bảo, ThS y tế công cộng, quản lý dự án Oxfam của CED, theo thống kê cả nước có gần 2,5 triệu người khiếm thính, trong đó TP.HCM chiếm 10%. Tuy nhiên, số liệu này từ năm 2009, chứng tỏ cộng đồng người khiếm thính chưa được quan tâm đúng mức. 
Theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV do Bộ Y tế quy định, người khuyết tật được tiếp cận đầy đủ với các khoa, phòng và dịch vụ khám chữa bệnh trong BV. Cụ thể, có nhân viên phiên dịch cho người khiếm thính hoặc có phương án hợp tác, ký hợp đồng với người phiên dịch trong trường hợp có người bệnh khiếm thính đến khám chữa bệnh; bảo đảm đáp ứng được người phiên dịch cho người bệnh khiếm thính trong vòng 90 phút khi được yêu cầu. 
Tuy nhiên, hiện rất ít BV đạt được tiêu chí trên, toàn TP.HCM chỉ có 20 thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Trong đó, CED chỉ mới ký hợp đồng hỗ trợ chín BV để trợ giúp người khiếm thính. 
 
Theo đại diện Sở Y tế, việc người phiên dịch truyền đạt giúp người khiếm thính có thể xảy ra bất tiện như nếu xảy ra sự cố không mong muốn, người phiên dịch chịu trách nhiệm như thế nào cũng chưa được đặt ra. Do đó, giải pháp lâu dài là cần có các phương pháp, công cụ hỗ trợ người khiếm thính để họ dần độc lập trong cuộc sống. Trong quá trình thực hiện dự án, CED có đề xuất phù hợp, Sở Y tế sẽ xem xét hỗ trợ. 
 
 

CED thành lập vào ngày 15-4-2011. Hiện đây là tổ chức xã hội đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam do người khiếm thính thành lập và phục vụ vì người khiếm thính (người điếc, nghe kém, mất thính lực muộn). 

 

Dự án “Thúc đẩy việc hỗ trợ pháp lý ban đầu và thực hiện chính sách thăm, khám chữa bệnh người khiếm thính” ra đời nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy thực hiện chính sách thăm, khám chữa bệnh người khiếm thính, giúp các BV đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế.

 

Dự án sẽ đào tạo thông dịch ngôn ngữ ký hiệu cho 60 người, tập huấn kỹ năng hỗ trợ người khiếm thính ở BV cho nhân viên y tế, hỗ trợ pháp lý ban đầu cho người khiếm thính. Cạnh đó, tiến hành nghiên cứu 200 người khiếm thính, phụ huynh tại 20 BV ở TP.HCM, sau đó chuyển kết quả nghiên cứu đến các cơ quan liên quan, hội đoàn của người khiếm thính. 

 

Nguồn: Báo Phát Luật TP. HCM

 

Tin trong và ngoài nước liên quan

NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 03/12
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2021)

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip