Để chúng ta xích lại gần nhau hơn

Đã nhiều ngày qua, kể từ khi sự việc hai em Trương Quang Thuận và Phạm Duy Tiến, thành viên sinh hoạt tại Câu Lạc Bộ Khiếm thính Tp.HCM chúng tôi không thể đi máy bay của hãng hàng không Jetstar Pacific (JP), tôi thật sự bất ngờ và mất tập trung trong những ngày tham dự tập huấn tại Thái Lan. Tôi không thể liên lạc được với gia đình hai em để hiểu tường tận sự việc cũng như đọc được qua email rất nhiều ý kiến bức xúc của các anh chị em khuyết tật khác mà không thể tham gia gì được. Giờ đây, đã về lại Việt Nam, suy nghĩ chuyện đã qua, tôi thấy lòng mình bình an vì chẳng qua là chúng ta chưa hiểu nhau.

 
Bỏ qua hết những chuyện xảy ra để rút kinh nghiệm cho cuộc sống của chúng tôi ở hiện tại và trong tuơng lai đó là những gì tôi có thể làm được ngay bây giờ. Thế giới là một bức tranh muôn màu mà đôi khi bạn nhìn vào bạn không hiểu tại sao lại có những màu sắc khác nhau, và khi chưa hiểu, có thể ta sẽ bảo không đẹp. Với người khuyết tật cũng vậy, khi bạn chưa hiểu chúng tôi, bạn sẽ ngại ngùng và có thể sự ngại ngùng này xuất phát từ động cơ duy nhất sợ làm tổn thương chúng tôi hay không bảo đảm được an toàn cho chúng tôi.
 
Theo số liệu của Tổng Cục Thông kê VN đầu năm 2008, có khoảng 13.028.000 người khuyết tật (chiếm 15,3% dân số) đang sống cùng các bạn mỗi ngày. Xung quanh chúng tôi cũng có người thân, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết … và những cầu nối không thể đếm được. Các bạn có thể tìm hiểu và hỏi thông tin về chúng tôi qua mối quan hệ cá nhân của các bạn. Các bạn cũng có thể tìm hiểu chúng tôi từ tổ chức của những người khuyết tật ở khắp mọi miền đất nước.
 
Khi các bạn tìm hiểu về chúng tôi, không lý do gì chúng tôi khép kín cửa với các bạn. Chúng tôi sẽ rất vui mừng và sẽ rất cảm động vì tấm chân tình của các bạn. Những khóa tập huấn: Các khái niệm về khuyết tật, Kỹ năng giao tiếp và làm việc với người khuyết tật, Công ước Quốc tế về Quyền của người Khuyết tật … sẽ được cung cấp cho nhân viên ngay tại công ty của các bạn. Những buổi sinh hoạt giao lưu cũng giúp cho chúng ta gắn kết với nhau, giúp các bạn hiểu chúng tôi cũng như giúp chúng tôi mạnh dạn hơn tự tin hơn để hoà nhập vào xã hội. Nếu các bạn có thiện chí, chúng tôi không thể nào không mở lòng ra để chào đón các bạn đến với thế giới chúng tôi -Thế giới của những người khuyết tật với những ĐIỂM KHÁC THƯỜNG nhưng lại RẤT ĐỔI BÌNH THƯỜNG.
 
Ông King Jordan, vị Chủ tịch đầu tiên của trường Đại học Gallaudet - Trường đại học đầu tiên và duy nhất trên Thế giới dành riêng cho người Khiếm thính - và cũng là người khiếm thính đã nói "Trừ việc nghe, người khiếm thính có thể làm được bất cứ việc gì như người nghe bình thường" (Deaf people can do anything hearing people can do, except hear). Thế nhưng bây giờ, với sự hỗ trợ của xã hội (truyền thông tiếp cận: tivi, phim có phụ đề; các dụng cụ kỹ thuật hỗ trợ việc nghe, ốc tai …) với sự trợ giúp của các bạn (những thông dịch viên, những người am hiểu kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật, kỹ năng giao tiếp với người khiếm thính …), câu nói trên có thể thay đổi thành "Người khiếm thính có thể làm được bất cứ việc gì, kể cả việc nghe". Vậy, chúng tôi hoàn toàn không khó để hiểu cũng như các bạn có thể hỗ trợ để bảo đảm an toàn cho chúng tôi rất dễ dàng.
 
Cụ thể như trường hợp em Thuận, nếu chịu khó quan sát một chút sẽ thấy em có thể NGHE bằng đọc tín hiệu môi cực tốt, đây là lý do tại sao em có thể theo học chung với người nghe bình thường suốt những năm học phổ thông và cả bậc trung cấp. Cũng nên biết thêm rằng, ở nước ngoài, Nghe bằng tín hiệu môi phải được học qua tham gia các lớp Lipreading hay Speechreading chứ không phải như Việt Nam ta, hầu hết người khiếm thính đếu có thể "tốt nghiệp xuất sắc môn học này mà không qua trường lớp". Điều này cho thấy, người Việt Nam chúng ta nói chung và người khuyết tật nói riêng đã phải nỗ lực biết bao để hoà nhập.
 
Trở lại trường hợp của em Thuận, một khi em đã tự đi một mình là do em đã quen thuộc vì đi vài lần rồi nhưng của hãng hàng không khác. Chính sự chủ quan này dẫn đến tình huống là quên đi "những quy định riêng của từng hãng" cho dù quy định đó là gì hành khách không hề được biết khi mua vé.
 
Tôi cũng đã từng đi máy bay, từng chứng kiến rất nhiều sự tận tuỵ vì nghề của một số tiếp viên hàng không và những nhân viên phi trường khi chúng tôi - những người khuyết tật - đi máy bay. Phải nói là bao nhiêu người hỗ trợ cho một người, để THƯỢNG ĐẾ có một chuyến đi an toàn và thoải mái, để chúng tôi cũng có được cơ hội tham gia, học hỏi kiến thức như mọi người. Tôi xin trân trọng nói lời cám ơn đến các nhân viên đó mà nhờ có họ, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc sống vốn nhiều thử thách. Tôi cũng chân thành mong muốn những viên đó chia sẻ kinh nghiệm làm việc xuất sắc của họ cho các đồng nghiệp, và nếu có thể, chia sẻ cho cả những đối thủ của họ đến từ các hãng bay khác vì một mục đích chung "cung cấp dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng khuyết tật" như vậy các bạn đã giúp làm cho thế giới của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn, nhân ái hơn.
 
Dĩ nhiên, các hãng hàng không luôn muốn có thêm nhiều khách hàng, có thêm nhiều lợi nhuận và chúng tôi có thể giúp các bạn điều đó. Nếu quá trình tiếp cận với chúng tôi có khó khăn các bạn cứ cho
chúng tôi biết hoặc dành thời gian tìm hiểu cũng như hãy cho chúng tôi biết rõ cụ thể những quy định riêng của các bạn để chúng tôi biết tự lượng sức mình.
 
Chiến thắng không chỉ dành cho những kẻ khổng lồ, những người hùng mạnh, chiến thắng đôi khi đến từ sự khâm phục tôn vinh một tấm chân tình. Tất cả chúng ta đều có thể là người chiến thắng.
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)
 
Thông tin được cập nhật tiếp theo :

        Người khuyết tật VN đã có văn bản gửi Cục Hàng không VN và Jetstar Pacific Airlines phản ánh chuyện hai hành khách khiếm thính bị từ chối bay. Theo phản ánh của cơ quan này, ngày 22/7 vừa qua, hành khách Trương Quang Thuận và Phạm Duy Tiến đã mua vé máy bay của Jetstar Pacific từ TP HCM đi Huế, dự kiến cất cánh lúc 7h. Khi nhận thấy 2 hành khách trên không nghe, không nói được, nhân viên của hãng đã từ chối vận chuyển, lập biên bản và yêu cầu hành khách trả vé cho đại lý bán vé để nhận lại tiền. Sau đó, 2 hành khách trên đã lên máy bay của Vietnam Airlines và về Huế lúc 15h cùng ngày. Kiểm soát vé khi lên máy bay. Trong văn bản trả lời Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Cục Hàng không cho rằng theo quy định người khuyết tật cần phải được quan tâm, chăm sóc hơn khi được vận chuyển công cộng bằng đường hàng không. Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lương Hoài Nam cũng cho biết ông rất lấy làm tiếc về sự việc đã xảy ra, đồng thời gửi thư xin lỗi tới Hội bảo vệ người tàn tật và trẻ em mồ côi VN cùng hai hành khách khiếm thính Trương Quang Thuận và Phạm Duy Tiến. Jetstar Pacific cũng tặng 2 hành khách trên mỗi người một phiếu mua vé trị giá 500.000 đồng. Sau khi vụ việc xảy ra, hãng đã ban hành chính sách ưu tiên đối với những khách hàng đặc biệt này. Theo đó, những hành khách khiếm thính sẽ được ưu tiên sắp xếp ngồi các hàng ghế trên. Các nhân viên mặt đất của Jetstar Pacific có trách nhiệm chỉ dẫn tận tình cho khách khiếm thính khi làm làm thủ tục check-in tại sân bay và hướng dẫn lên phòng chờ và được ưu tiên ra máy bay sớm với sự trợ giúp từ nhân viên của hãng. Các tiếp viên Jetstar Pacific sẽ tiếp nhận và hướng dẫn lại cho hành khách các quy định về an toàn trên chuyến bay.

(Theo vnexpress.net)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip