Doanh nghiệp xã hội không phải tổ chức từ thiện.

Khi nói đến công việc xã hội, người ta thường hay nghĩ là làm từ thiện. Cũng tương tự khi nói về DNXH có người cho rằng đó là tổ chức từ thiện. Việc định nghĩa thế nào là DNXH xin không nói đến trong bài này, độc giả có thể tìm đọc trên các trang báo mạng, đặc biệt website của CSIP. Bài viết chỉ chia sẻ những trăn trở của một người điều hành DNXH cũng như suy nghĩ về trách nhiệm xã hội.
 
Ban đầu, với ý tưởng thành lập tổ chức của người khiếm thính theo loại hình cung cấp dịch vụ, đào tạo có thu phí, tôi cứ phân vân không biết nên đăng ký tổ chức mình ở đâu? Doanh nghiệp kinh doanh? Không có sản xuất, cũng không thể châm bẩm vào lợi nhuận, vì làm việc với cộng đồng khiếm thính tiền đâu mà sinh lợi, và không thể tính toán lời lỗ với chính người đồng cảnh. Doanh nghiệp kinh doanh còn có thêm nổi lo đóng thuế. Đăng ký với Sở Lao động Thương binh và Xã hội? mình đâu phải là tổ chức từ thiện. Giải thưởng doanh nhân xã hội do CSIP tài trợ năm 2010 giúp chúng tôi biến ước mơ của mình thành sự thật, và từ mơ tới thật, mới thấy hết gian truân. Gõ cửa ở đâu cũng nhận cái lắc đầu không cấp phép loại hình tổ chức lạ quá.
 
Cuối cùng trời cũng thương, tôi xin được giấy chứng nhận hoạt động. Mừng chưa được lâu, lại loay hoay với loại hình khai báo thuế: “Không có báo cáo dạng DNXH, hoặc doanh nghiệp kinh doanh hay hành chính sự nghiệp?” Bao nhiêu bạn bè toàn kế toán trưởng công ty nước ngoài góp ý, tư vấn cuối cùng… phạt hành chính vì khai báo thuế trễ. Tổ chức được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra nên không được hoàn VAT đầu vào, nhưng không biết cứ mua hàng một hai đòi cho được hóa đơn VAT để thực thi đúng theo quy định thuế. Người biết chuyện trách, sao không hỏi chi cục thuế. Hỏi thì hỏi nhưng thuế cũng mơ hồ chữ DNXH.
 
DNXH đã và đang phát triển ở Việt Nam và vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về khái niệm DNXH do tính phức tạp và đa dạng của nó. Chính vì vậy, dẫn đến sự không đồng bộ trong phối hợp thực hiện và hỗ trợ. Hội thảo “Phát triển DNXH qua các trường đại học Việt Nam: Thách thức và cơ hội đã nhấn mạnh “DNXH được phát triển như một giải pháp tích cực trong việc hạn chế, giải quyết và xử lý các vấn đề xã hội. Do vai trò quan trọng và khả năng giải quyết vấn đề xã hội một cách tích cực, DNXH đang trở thành trào lưu phát triển rất nhanh trên thế giới và ở Việt Nam”. Trào lưu phát triển nhanh là điều đáng mừng nhưng mong rằng sẽ không bị nguội lạnh vì các thủ tục chưa theo kịp trào lưu.
 
Đã nói tới DNXH, không thể không nói đến trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác cùng người lao động, gia đình họ, cộng đồng và xã hội nói chung để cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ, sao cho vừa tốt cho doanh nghiệp, vừa mang lại lợi ích cho phát triển (Ngô Hương, Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Việt Nam thực tiễn cơ hội và thách thức, Trung tâm Phát triển và Hội nhập). Trong hội thảo Phát triển kinh doanh bền vững ở Châu Á, Hội đồng Anh đã truyền tải thông điệp “DNXH là một doanh nghiệp, không phải là tổ chức từ thiện” và vì sự phát triển kinh tế xã hội, sự hợp tác giữa các DNXH với các doanh nghiệp lớn vì lợi ích chung thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là điều đáng khuyến khích.
 
Ví dụ đơn giản như nghề bảo vệ, những công ty lớn như Sacombank, các trung tâm ngoại ngữ lớn thường có một nhóm bảo vệ. Công ty hoặc đơn vị cung ứng bảo vệ có thể tuyển dụng một người khiếm thính làm việc trong nhóm. Người khiếm thính khỏe mạnh, tinh mắt giúp dẫn xe, bảo vệ khác làm công việc liên lạc nội bộ hay bên ngoài qua điện thoại. Chỉ cần có công ty chấp nhận tuyển dụng bảo vệ khiếm thính, quá trình giao tiếp tại công sở có thể cải thiện theo thời gian hoặc nhờ hỗ trợ của tổ chức của người khiếm thính và vì người khiếm thính như Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính CED.
 
Trường hợp khác, một phụ huynh có con khiếm thính cùng nhóm bạn bè quyên góp hỗ trợ kinh phí học tập cho trẻ khiếm thính mồ côi. Sự đóng góp giúp trung tâm can thiệp sớm có khoản kinh phí duy trì hoạt động, tiếp tục hỗ trợ nhiều bé khác. Một trong những khía cạnh thường được CSR khai thác là quyền lợi người nghèo. “CSR không chỉ là một ý tưởng được chào đón về khía cạnh đạo đức. Trách nhiệm xã hội còn giúp tăng cường sức mạnh của thương hiệu, danh tiếng, sự nhận biết và lòng trung thành”, theo giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam Robin Rickard. Bà Phạm Kiều Oanh, giám đốc CSIP nhận định cách tiếp cận và phát triển khái niệm CSR, ý thức về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam, đang dần thay đổi đáng kể, từ quan niệm kinh doanh “những gì tốt cho doanh nghiệp thì tốt cho xã hội” sang “những gì tốt cho xã hội thì tốt cho doanh nghiệp”. (Tuyết Hạnh – Ngọc Khanh).
 
Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) là DNXH đầu tiên và duy nhất hiện thời của Việt Nam do người khiếm thính thành lập và phục vụ vì người khiếm thính. Chính thức đi vào hoạt động từ 01/06/2011, Trung tâm Khiếm thính CED đưa ra nhiều mô hình dịch vụ hỗ trợ người khiếm thính sống độc lập, để họ có thể giúp ích cho gia đình. Phụ huynh thì mong muốn CED là mái nhà chung của người khiếm thính, đồng hành cùng họ trên con đường dẫn dắt trẻ khiếm thính hòa nhập xã hội thật sự và trọn vẹn. Cùng người khiếm thính góp phần xây dựng và phát triển bền vững nền kinh tế đất nước trong qua trình toàn cầu hóa là mục tiêu của CED.

Dương Phương Hạnh
Sáng lập/Giám đốc điều hành CED
Tổng thư  Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip