Duyên may và sự lựa chọn

Lời tác giả: Thời điểm này không phải để tôn vinh sự đóng góp của những người làm công việc tình nguyện, nhưng nếu không có những người thầm lặng, thật khó cho tôi, một người khiếm thính, có cơ hội vươn lên và tìm ra lẽ sống trên đời. Bài viết bên dưới đã được gửi dự thi “Câu chuyện tình nguyện” do tổ chức LIN thực hiện, nay kính chuyển đến bạn đọc, như một lời cảm ơn xã hội đã quan tâm và sát cánh cùng chúng tôi, những người khuyết tật, trên bước đường đời, tuy gian truân nhưng vẫn chứa nhiều tình thương mến.

Tôi tham gia câu chuyện tình nguyện của LIN vào phút chót bởi vì đơn giản, tôi không nghĩ mình là một tình nguyện viên và mình có khiếu viết văn. Câu chuyện tôi sắp kể với các bạn dưới đây, đến với tôi, như là một lối thoát hơn là “tôi làm việc tình nguyện”.
Tôi là người khiếm thính, dạng khiếm thính mắc phải, trước sáu tuổi là người nghe, sau sáu tuổi là người khiếm thính. Má tôi đã từng muốn chết khi biết tôi không nghe được, còn tôi thì “sau chỉ có mình con không nghe”. Lớn lên sống và học tập trong thế giới người nghe, tôi là “người khác biệt”. Tôi biết những gì mọi người đã biết lâu rồi và tôi không biết những gì ai cũng biết. Nếu ví cuộc sống là một bức tranh thì bức tranh của tôi xám xịt. Nếu ví mỗi con người là một quyễn sách hay thì sách của tôi gồm những câu cú không tròn trịa, nhạt nhẽo, nhàm chán và nhiều nước mắt.
Nếu, “lại nếu”, trên đời có cái gọi là “duyên may và sự lựa chọn”, thì tôi đã có duyên gặp một người đồng cảnh – Ông Johan Hammarstrom – và chọn lựa tham gia công việc của dự án “Chuyến bay vòng quanh thế giới vì người khiếm thính” để được làm việc với những người hiểu mình. Cái tên đã nói lên phần nào ý nghĩa của dự án ‘Người khiếm thính sống ở đâu trên thế giới cũng gặp khó khăn, cũng cần NGHE, và cần sự hỗ trợ để tự tin hòa nhập xã hội”. Với khó khăn vì khuyết tật, từng cá thể sẽ là sự chấp nhận, nhưng cả cộng đồng cùng sát cánh bên nhau sức mạnh sẽ lan tỏa. Chính vì vậy, tôi tham gia vào dự án để cảm nhận sức mạnh và tự tin sống tiếp cuộc sống vốn đã tồn tại của mình.
Công việc của tôi là tìm hiểu thông tin về lĩnh vực khiếm thính tại Việt Nam và chuẩn bị chương trình cho nhóm dự án tới Tp.HCM thăm một số trường chuyên biệt cũng như làm việc với các chuyên gia về lĩnh vực thính học tại Tp.HCM. Cũng vì trách nhiệm này mà tôi mới tìm hiểu “Có trường chuyên biệt? và có người khiếm thính khác ngoài tôi?” Ngôi trường chuyên biệt đầu tiên mà tôi tìm đến, tới bây giờ tôi vẫn nhớ là Trường Tương Lai Quận 5, và tại đây, tôi đã khóc nức nở tủi cho mình và thương cho các em. Chính tại thời khắc đó, tôi mới biết mình sinh ra và sống trên đời để làm gì.
Trong suốt thời gian thực hiện dự án, tôi tìm đến các trường chia sẻ về cuộc sống, suy nghĩ, khó khăn của bản thân, và quan trọng, tôi đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào. Các em khiếm thính thì rất vui, các em nhìn thấy những minh chứng sống “các anh chị khiếm thính học tập và làm việc tự kiếm sống và các em sẽ làm được như thế”. Vài năm sau này, bất cứ khi nào có dịp trở lại các trường, các em vẫn nhớ tôi và hỏi người bạn “mũi cao” đâu. Các em khoe là các em đã học tốt, biết viết chữ và các em tham gia múa hát vui lắm.
Cuối cùng thì tôi cũng đã hoàn thành công việc của mình, và quan trọng hơn, tôi đã tìm thấy hướng đi, thật sự biết mình muốn gì và phải làm gì. Tôi chọn cùng làm việc với người khiếm thính như là lẽ sống, trách nhiệm và tương lai cho cuộc đời. Trước đây, tôi thật sự không nghĩ rằng, tôi tham gia làm việc cho dự án tôi sẽ nhận lại được điều gì đó, tôi chỉ làm vì muốn tìm lối thoát. Nhưng, công việc tình nguyện ban đầu đã dạy cho tôi rất nhiều điều: kỹ năng giao tiếp (ít ra là kỹ năng một người khiếm thính học ngoại ngữ như thế nào), kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, tự giải quyết vấn đề… Phải biết là người nghe bình thường cũng phải học kỹ năng giao tiếp thì những người khiếm thính càng cần phải học nhiều hơn, trong đó, kỹ năng “nghe” và nói người khác hiểu.
Dự án “Chuyến bay vòng quanh thế giới vì người khiếm thính” được chọn báo cáo tại hội nghị Quốc tế của Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế, và tôi, người Việt Nam duy nhất tham gia hội nghị đó với tư cách cùng báo cáo về dự án với Johan. Tôi đã hỏi “Ông đã đi qua nhiều nước, rất nhiều người xuất sắc, tại sao ông chọn tôi cùng báo cáo với ông”. “Chúng tôi quý trọng sự chọn lựa của bạn, và tin chắc rằng, bạn sẽ cùng với người khiếm thính Việt Nam làm nên sự khác biệt”, ông đã trả lời tôi như thế.
Bao nhiêu năm qua, chúng tôi vẫn là những người bạn thân của nhau và cùng làm việc về lĩnh vực khiếm thính. Tôi đã trưởng thành lên từ công việc tình nguyện. Tôi cũng tin rằng cơ hội luôn đến vào những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời người và chộp được cơ hội hay không, kiến thức và kỹ năng thôi không chưa đủ, mà cần có gan lựa chọn và niềm tin vào cuộc sống trên đời.

Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip