Những cô gái khiếm thính năng động

Trong số suất bản tháng 11 vừa qua của tạp chí điện tử Liên đoàn Khiếm thính Châu Âu (EFHOH), tôi đã đọc được bài viết của Karina Chupina, Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính trẻ Quốc tế. Nó nhắc tôi nhớ đến những khoảnh khắc khó quên của Hội nghị Quốc tế 2008, nhớ đến thành phố Vancouver xinh đẹp và thân thiện.
Đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài và tham dự một sự kiện quốc tế lớn như thế. Tôi đã rất lo lắng và có nhiều sơ sót, tôi nghĩ thế, suốt thời gian hội nghị diễn ra. Tôi nói tiếng Anh rất tệ và không hài lòng lắm về kết quả báo cáo của mình tại hội nghị. Tôi cũng quên không thử những thiết bị hỗ trợ việc nghe được sử dụng tại hội nghị và tại các showroom thương mại. Với lịch trình hội thảo dày dặc, tôi cũng không có thời gian để tìm hiểu và kết bạn với một số người trẻ khiếm thính khác, những người mà tôi thật quá khâm phục về sự tháo vát năng động của họ.
 
Điều lớn nhất, tôi học được từ hội nghị là tinh thần làm việc của mọi người: người già lẫn người trẻ. Đó Ngài Jan-Peter Strömgren-Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế, Bà Ruth Warick-Thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế; Charlotta Göller-Nhân viên phòng chính sách Quốc tế của Hội người Khiếm thính Thụy Điển, những cô gái đến từ Liên đoàn Khiếm thính Trẻ Quốc tế, đặc biệt là Karina Chupina-Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính trẻ Quốc tế … Tất cả làm việc không mệt mỏi, thân thiện, chu đáo, ân cần để làm nên một hội nghị hoàn hảo mang lại những kiến thức, thông tin bổ ích cho 520 người tham dự đế từ 27 quốc gia thành viên. Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự phục vụ tận tụy của nhân viên khách sạn Sheraton Wall Centre, mà không có họ, không thể có một hội nghị thành công tốt đẹp.
 
Tôi thường gặp khó khăn khi tham dự các buổi hội thảo ở Việt Nam vì là người khiếm thính. Tôi hầu như không nắm bắt được hết vấn đề. Nhưng tại hội nghị quốc tế này thì khác, tôi nghe được bằng đọc caption, được thưởng thức một công nghệ hiện đại, vì rõ là rất khó cho người đánh máy khi mà phải nghe giọng nói từ nhiều quốc gia khác nhau, chuẩn hay không chuẩn. Tôi đã thật sự lo lắng vì tiếng Anh của tôi rất tệ, nhưng mọi chuyện điều thành công nhờ công sức không nhỏ của những người đánh máy. Sau buổi hội nghị, tôi đã đến gặp và nói lời cám ơn họ. Tôi đã và đang áp dụng phương pháp caption này vào hai hội thảo do chính tôi là người tổ chức kiêm người dẫn chương trình “Giải pháp nào cho lao động khiếm thính và doanh nghiệp” và “Mất thính lực-Cuộc sống có trọn vẹn?” như là một bước đột phá về cơ hội tham gia cho cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam. Cám ơn nhà tài trợ GN ReSound, Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOHP), Hội Khiếm thính Canada (Canadian Hard of Hearing Association) -nhà tổ chức, Johan Hammarstrong, những người tham dự hội nghị … đã giúp tôi có cơ hội tham gia và học hỏi.
 
Trong lời cám ơn của tôi tới nhà tài trợ, tôi đã có viết rằng “GN ReSound không chỉ giúp mình tôi mà còn giúp cho cả cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam bởi vì tôi đã chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức mà mình đã học hỏi được từ hội nghị quốc tế cho tổ chức tôi, cho những người khiếm thính khác tìm tới tôi nhờ tư vấn hoặc qua email, để họ thêm vững tin rằng “nếu cố gắng phấn đấu, người khiếm thính Việt Nam có thể biến những điều không thể thành có thể”. Tôi cũng đã chia sẻ những gì tôi học hỏi được từ hội nghị cho các tổ chức khiếm thính khác để cùng nhau phát triển tổ chức.
 
Cũng nhân đây, tôi muốn nói lời cám ơn đến IFHOHP đã mang đến cho tôi những kiến thức hữu ích, cám ơn mối quan tâm đến người khiếm thính khắp nơi trong đó có tôi. Vừa mới đây, IFHOHP lại tiến cử tôi tham dự hội nghị sắp tới sẽ tổ chức ở Philippine. Tôi như vững tin bởi vì biết rằng, đàng sau mình có một cộng đồng của mình ở khắp nói trên thế giới.
 
Tôi cũng muốn nói lời cám ơn đến EFHOH đã khích lệ tôi tham gia và chia sẻ thông tin với cộng đồng khiếm thính châu Âu, khuyến khích tôi viết bài cho EFHOH Newsletter, mà viết là vấn đề tôi rất thích. Và quan trọng hơn là, tôi cảm nhận được tình cảm gắn bó dù hội nghị đã kết thúc từ lâu.
 
Tinh thần của hội nghị quốc tế 2008 vẫn còn trong tôi, giống như tôi mới vừa gặp các bạn hôm qua, mới vừa chia tay mọi người hôm nay. Quả đất tròn mong rằng sẽ có dịp gặp tất cả.
 
Nhìn các phong trào hoạt động của IFHOH, EFHOH và IFHOHYP, tôi rất vui và cảm thấy hãnh diện nhưng có một nỗi buồn cho phong trào khiếm thính Châu Á. IFHOH và IFHOHYP là của toàn thế giới và đã có những kế hoạch gì để hỗ trợ người khiếm thính ở Châu Á hay không? Làm sao để Châu Á có những chàng trai và những cô gái năng động như IFHOHYP? Tháng 01/2009, tổ chức APCD ở Thái Lan hứa đào tạo cho chúng tôi về kỹ năng lãnh đạo người Điếc, hy vọng rằng tổ chức của tôi sẽ có một định hướng cụ thể hơn. Tôi cảm thấy mình quá yếu kém và không chuyên nghiệp lắm về vấn đề phát triển một tổ chức.
 
Tôi và Mr. Muhammad Akram người Pakistan đang nghĩ cách phát triển phong trào người khiếm thính ở Châu Á. Công việc có vẻ quá chậm và chúng tôi thì không có kinh nghiệm chuyên nghiệp lắm. Một con đường dài trước mắt, nhưng cứ tin đi, rồi ta sẽ tới đích.
 
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

 

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip