Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) - Mô hình hỗ trợ hòa nhập khép kín

Bài viết này chia sẻ mô hình khép kín về cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khiếm thính hòa nhập cộng đồng của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED). Một vài phân tích nguyên nhân hình thành dịch vụ, tác động xã hội và giá trị mang lại cho cộng đồng cũng được trình bày.
1.      Sơ nét về Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED)
Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) là tổ chức xã hội đầu tiên và duy nhất hiện thời tại Việt Nam do người khiếm thính thành lập và phục vụ vì người khiếm thính có cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp. Một trong những chức năng của CED là nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật, xã hội học chuyên đề. 
Tầm nhìn: Trở thành trung tâm phát triển năng lực người khiếm thính hàng đầu Việt Nam.
Sứ mệnh: CED cam kết giúp người đồng cảnh khiếm thính trên bước đường hòa nhập xã hội, xây dựng hình ảnh tích cực về cộng đồng khiếm thính và là cầu nối gắn kết người nghe bình thường và người khiếm thính lại với nhau.
Giá trị cốt lõi:
Giá trị cốt lõi:
-         Niềm tin-tin vào phẩm chất người của người khiếm thính: “Nếu có cơ hội học tập và việc làm, người khiếm thính có thể làm mọi việc”.
-         Tôn trọng: tôn trọng bản thân, tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng tổ chức, tôn trọng đối tác. Hợp tác trong sự tôn trọng.
-         Tuân thủ: tuân thủ luật pháp, các nguyên tắc đạo đức.
CED cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người khiếm thính – bao gồm người điếc, nghe kém và người mất thính lực muộn – hòa nhập xã hội cũng như vận động chính sách, nâng cao nhận thức cho cộng đồng để tạo điều kiện cho người khiếm thính được hỗ trợ tốt hơn. CED tin rằng “Con người là tác nhân của sự thay đổi. Giáo dục kiến thức, kỹ năng và thái độ không chưa đủ, phải hỗ trợ người khiếm thính tiếp cận được cơ hội việc làm, giúp họ nhìn ra giá trị để nỗ lực vượt qua mọi rào cản – hữu hình hay vô hình – hòa nhập xã hội thật sự và trọn vẹn. Do vậy, CED dần dần hình thành các dịch vụ hỗ trợ sau:
Dịch vụ của CED
1)     Vận động chính sách và Biện hộ
2)     Tham vấn đồng cảnh /Tư vấn
3)     Giáo dục/Đào tạo
Cho người khiếm thính (điếc, nghe kém và điếc đột ngột)
-        Chương trình can thiệp sớm.
-        Giáo dục chuyên biệt: xóa mù chữ cho người điếc trưởng thành chưa qua trường lớp.
-        Giáo dục hòa nhập: (1) chương trình dự bị lớp một; (2) chương trình hỗ trợ học sinh học hòa nhập cấp 1 và 2: (3) Hỗ trợ học sinh điếc học hòa nhập cấp 3.
-         Chương trình kỹ năng: lớp tiếng Anh & lớp đọc tín hiệu môi cho người khiếm thính.
Cho người nghe bình thường
-         Lớp ngôn ngữ ký hiệu: cho người nghe bình thường.
-         Kiểm huấn cơ sở: cho sinh viên công tác xã hội của các trường đại học
-      Chương trình huấn luyện giáo viên, phụ huynh, nhân viên CTXH về các nội dung: Thế giới người khiếm thính; Giáo dục trẻ khiếm thính (Chuyên biệt hay hòa nhập); Tiếp cận cho người khiếm thính; Phát triển nội lực người khiếm thính; Kỹ năng đọc tín hiệu môi
-         Chia sẻ về các lĩnh vực: Khiếm thính, Giáo dục hòa nhập, Doanh nghiệp xã hội
1)     Giới thiệu học nghề và tìm việc làm miễn phí
2)     Tặng máy trợ thính cho trẻ khiếm thính gia đình nghèo
3)     Tư vấn, đánh giá dự án về lĩnh vực khiếm thính
4)     Nghiên cứu/Xuất bản sách, đĩa DVD về lĩnh vực khiếm thính
5)     Cung ứng dịch vụ nhân viên hỗ trợ (supporter) và nhân viên đánh máy chuyển lời nói thành văn bản (captionist)
6)     Tư vấn cho doanh nghiệp xã hội làm việc với người khuyết tật
2.      Mô hình hỗ trợ hòa nhập khép kín
2.1. Sự hỗ trợ khép kín
Dịch vụ tại CED hỗ trợ từ trẻ đến người lớn; từ người khiếm thính đến nghe bình thường; từ cá nhân đến tổ chức; và không bỏ qua việc vận động chính sách. Với sự hỗ trợ khép kín này, bảo đảm người khiếm thính sẽ nhận được sự quan tâm, nắm bắt được cơ hội từ cộng đồng, nếu họ biết nỗ lực lao động và vượt qua những rào cản do khuyết tật gây ra.
2.1. Không trẻ nào bị bỏ lại phía sau
Mức học phí tại CED từ bằng đến thấp hơn bên ngoài cho cùng đối tượng và chương trình học. Trẻ khiếm thính gia đình nghèo được hỗ trợ máy trợ thính và học bổng học văn hóa. Với chức năng hoạt động của tổ chức, CED có thể thiết kế các chương trình học đặc thù đáp ứng năng lực từng trẻ, nhất là trẻ đa tật.
2.2. Phát triển tổ chức trung thành với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi
Cũng như những tổ chức xã hội khác, CED luôn cố gắng giải quyết bài toán tài chính để có thể duy trì hoạt động, thực hiện hỗ trợ cộng đồng khiếm thính nhiều hơn. CED luôn xác định: cố gắng hết sức trong khả năng có thể, lập kế hoạch triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong cộng đồng; chia sẻ mô hình cho càng nhiều nơi càng tốt … nhưng vẫn cam kết trung thành với tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức. 
   3. Thành tựu và khó khăn
3.1   Thành tựu
Hơn năm năm hoạt động, CED có những thành tựu nhất định sau:
-    Được Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội lấy ý kiến về lĩnh vực khuyết tật, doanh nghiệp xã hội …
-    Trung bình khoảng 660 lượt người được tham vấn, tư vấn hàng năm.
-    100 phần trăm trẻ/học viên theo học tại CED đều nói chuyện được.
-    100 phần trăm trẻ đều học tốt ở các trường hòa nhập địa phương, đặc biệt có một số em là 1 trong 5 học sinh xuất sắc của khối như: em Phạm Đoàn Bảo Khôi – lớp 4 Trường Nguyễn Thị Định, Q.12; Lê Thiện Nhân – Lớp 5, Trường Tiểu học Hưng Việt, Q.11; Nguyễn Ngọc Tường Thụy – Lớp 1, Trường Nguyễn Đình Chinh, Phú Nhuận v.v…
-    100 phần trăm học sinh điếc đều biết đọc, viết, và nói được những câu đơn giản.
-    Xây dựng được chương trình dạy đọc tín hiệu môi (lip-reading) cho người khiếm thính (điếc, nghe kém, mất thính lực đột ngột).
-    Đào tạo được nhóm nhân viên hỗ trợ hòa nhập và nhân viên thông dịch chuyển lời nói thành văn bản (caption = speech – to – text).
-    Xuất bản 3 đầu sách: Thế giới người khiếm thính; Sống với mất thính lực (sách dịch); Cẩm nang dành cho nhân viên hỗ trợ người khiếm thính hòa nhập cộng đồng.
-    Hỗ trợ được học sinh điếc tốt nghiệp chuyên biệt THCS theo học hòa nhập THPT. Học sinh điếc, với học lực khá, được xét đặc cách miễn thi tốt nghiệp THPT và được tuyển thẳng vào đại học Nguyễn Tất Thành.
-    Cung cấp những khóa tập huấn về lĩnh vực khiếm thính cho phụ huynh, giáo viên, nhân viên công tác xã hội: Thế giới người khiếm thính; đọc tín hiệu môi; kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc với người khiếm thính; công tác xã hội với người khiếm thính; Dịch vụ hỗ trợ người khiếm thính …
-    Tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng như “Trẻ khiếm thính và tiềm năng học nói”; “Người khiếm thính: Làm sao để cuộc sống trọn vẹn?”; “Tiếp cận thông tin cho người khiếm thính”; “Đường vào đại học cho học sinh khiếm thính” …
Bà Dương Phương Hạnh – Giám đốc CED được Ủy Ban Liên minh Chính phủ các Nước Đông Nam Á về Nhân Quyền (Asean Intergovernmental Commission on Human Rights) mời làm tập huấn viên nguồn về “Quyền của người khuyết tật cho người không khuyết tật” (tham dự viên là người của Bộ ngoại giao các nước, luật sư, người làm chính sách, chuyên viên, quản lý trường học, giáo viên …) tại các nước Đông Nam Á liên quan tới lĩnh vực khiếm thính. 
3.2   Khó khăn
Bên cạnh những thành tựu kể trên, CED vẫn còn không ít những khó khăn trong việc phát triển thêm quy mô hỗ trợ người khiếm thính cả về số lượng lẫn chất lượng. (1) Thiếu kinh phí để có thể thực hiện việc nhân rộng mô hình CED cho các tỉnh thành, đặc biệt về các chương trình đọc tín hiệu môi, xóa mù chữ cho người điếc trưởng thành, dịch vụ caption … (2) Thiếu nhân lực để đầu tư thêm cho quỹ máy trợ thính, nhân viên hỗ trợ. (3) Thiếu chuyên môn sâu về can thiệp trẻ đa tật.
4.      Kết luận và kiến nghị
“Mọi việc đều có thể”. Một tổ chức của người khiếm thính có thể giúp người khiếm thính về mọi lĩnh vực. Nhân rộng mô hình CED không chỉ là giải pháp hòa nhập, tăng trưởng kinh tế cho người khiếm thính, mà còn mang giá trị nhân văn qua nâng cao vị thế người khiếm thính – NGƯỜI KHIẾM THÍNH CŨNG LÀ TÁC NHÂN XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG./.
 
Tác giả bài viết: Dương Phương Hạnh Giám đốc CED
Nguồn tin: trungtamkhiemthinh.org

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip