Cảm xúc trong diễn đạt ngôn ngữ ký hiệu

Ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) là một ngôn ngữ nhiều cảm xúc. Khí nói, chúng ta sử dụng thanh quản, lưỡi, miệng và hai tai. Khi ra dấu, chúng ta sử dụng hai bàn tay, mắt, môi, hàm và xúc giác. Xúc giác, cảm xúc thể hiện một sinh khí khi chúng ta ra dấu. Ra dấu với những cảm xúc kèm theo đó là chúng ta diễn tả cảm giác từ cơ thể và linh hồn chúng ta như thế nào. Thể hiện cảm xúc khi đang “đói”, “khổ”, “hạnh phúc” hay hơn diễn tả bằng lời nói. Học cách diễn tả cảm xúc trong sử dụng NNKH đó là chìa khóa giúp chúng ta hiểu rõ sức mạnh và sự gần gũi của NNKH.

 
Hãy thử tưởng tượng bạn không thể nói và không nghe được. Bạn phải tìm mọi cách để thể hiện cảm nhận của mình cho người khác biết. Ngay lập tức, cơ thể của bạn thể hiện những phản ứng vô thức về cảm xúc của bạn. Những phản ứng vô thức này đôi khi cũng là bản tính thứ hai của con người mà chúng ta không nhận ta rằng cơ thể chúng ta giao tiếp cũng mạnh mẽ như là lời chúng ta nói. Giả thử trên thế gian này không có câu “Anh yêu em” hay “Em yêu anh” thì làm thế nào bạn thể hiện được sự quan tâm của bạn đối với người bạn yêu?
 
NNKH là ngôn ngữ không lời và có năm thành phần chính dựa vào cách mà cơ thể con người diễn tả cảm xúc. Theo trình tự bắt đầu từ tính chất quan trọng nhất, năm thành phần này bao gồm:
 
Tiếp xúc qua ánh mắt
 
Không thể giao tiếp được nếu không nhìn vào mắt nhau. Quay đi chỗ khác là dấu hiệu cho thấy cuộc trò chuyện kết thúc, và có thể, người nói rất đau buồn khi bị ngắt ngang hay bị phớt lờ như thế. Thông thường, không có sự tiếp xúc qua ánh mắt là dấu hiệu giận dữ hay thô lỗ. Với NNKH cũng vậy, để giao tiếp thành công phải duy trì việc tiếp xúc qua ánh mắt. Người nghe có thể vừa làm việc vừa nói chuyện không cần phải ngừng công việc để nhìn người nói chuyện với mình, nhưng với người khiếm thính thì đây là điều không thể.
 
Diễn tả của nét mặt
 
Diễn tả nét mặt là yếu tố rất quan trọng trong sử dụng NNKH. Chúng ta không thể nào có một khuôn mặt tươi cười khi làm dấu đang đau khổ, ngược lại, cũng không thể có khuôn mặt buồn bã khi thể hiện ký hiệu “hạnh phúc”. Thông thường, diễn tả nét mặt giúp chúng ta phân biệt dấu hiệu của những tiếng danh từ và động từ. Ví dụ như ký hiệu trái cam, trái chanh và vắt cam, vắt chanh chỉ khác nhau ở cách diễn tả qua nét mặt.
 
Ngôn ngữ cơ thể
 
Cơ thể của chúng ta phản ứng một cách tự nhiên với thế giới xung quanh, Chúng ta tránh xa những vật chúng ta không thích hay sợ sệt. Chúng ta tiếp cận những vấn đề chúng ta tò mò muốn biết hoặc nó hẫp dẫn chúng ta. Phản ứng theo bản năng của một người, hướng tới hay tránh xa, thể hiện rất thật cảm xúc của người đó. Khi thể hiện ký hiệu “bạn” (ngôi thứ hai số ít), chúng ta hướng ngón trỏ của bàn tay thuận về phía “người đối diện”. “Người đối diện” có thể là người đứng ngay trước mặt chúng ta, cũng có thể là người đứng bên trái hay bên phải khi chúng ta hơi xoay thân người nhìn sang trái hoặc phải. Trong NNKH, chuyển động của cơ thể giúp làm phong phú thêm những khái niệm giao tiếp.
 
Chuyển động của miệng
 
Chuyển động của miệng khi ra dấu không giống như khi chúng ta nói. Chuyển động của miệng có thể diễn tả hình dạng và kích thước. Ví dụ, chúng ta phồng má ra khi thể hiện một vật to lớn, mím môi hay “hút” không khí khi nói về vật mỏng và nhỏ.
 
Chuyển động của bàn tay
 
Dĩ nhiên là không thể có NNKH nếu không có chuyển động của bàn tay. Bàn tay “nói” là ngôn ngữ nhìn thấy được, do đó, điều quan trọng khi giao tiếp bằng NNKH là nắm được bản chất, quy luật chuyển động và cái đẹp của nó. Chuyển động của bàn tay thôi chưa đủ mà phải kết hợp với bốn yếu tố kể trên. Một ký hiệu có thể có ý nghĩa khác nhau tùy vào diễn tả của nét mặt, ngôn ngữ cơ thể … Một khuôn mặt không biểu lộ tình cảm thì không thể nào cải tiến được kỹ năng giao tiếp bằng NNKH.  
 
Khi chúng ta học cách biểu lộ cảm xúc mà không gượng gạo, khi chúng ta không phải lo lắng cách thể hiện về chúng ta có chính xác hay không, làm giàu thêm cảm xúc trong giao tiếp bằng NNKH sẽ giúp chúng ta hiểu xâu xa hơn những xúc cảm quý giá của con người./.
  
Dương Phương Hạnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip