Đào tạo kỹ năng làm việc với người khuyết tật cho công chức nhà nước

Vừa qua đã có một buổi gặp gỡ giữa Quỹ Nghiên cứu và phát triển Quốc tế (FACID) với đại diện các dạng tật hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM như khuyết tật vận động, khiếm thính, khiếm thị, và phụ huynh của trẻ chậm phát triển tại văn phòng Chương trình Khuyết tật & Phát triển. Mục đích của buổi gặp gỡ nhằm giúp FACID hiểu rõ những khó khăn mà người khuyết tật (NKT) đã và đang gặp phải để từ những hiểu biết thực tế này, đưa ra chương trình đào tạo cho công chức nhà nước Kỹ năng làm việc với NKT hiệu quả nhất và thiết thực nhất.


Các đại diện khuyết tật người thì bị bẩm sinh, người thì bị khuyết tật khi đã 20 tuổi (do mổ cột sống phải ngồi xe lăn, bị sốt cao lúc 6 tuổi không nghe được v.v…). Dạng tật là như nhau, khác chăng, nỗi đau thiệt thòi nhẹ nhàng do đã quen từ nhỏ hay vật vả vì cuộc sống bổng dưng bế tắt khi tuổi đời đang tươi đẹp.

Việc học của người khuyết tật

Với những giờ học chính quy, bắt buộc phải cố theo, thì các bạn khuyết tật vận động phải nhờ bạn bè giúp đỡ bồng bế lên phòng học trên lầu. Phòng gần cầu thang thì khỏi vác xe lăn lên, phòng học xa thì khiên cả chủ lẫn xe. Có bạn chào thua phải bỏ học giữa chừng không phải vì thiếu năng lực mà chỉ vì không lên lầu được. Còn những khoá học thêm thì hiếm. 
Với người khiếm thị và khiếm thính thích học trường chuyên biệt, nhưng chỉ ở tới cấp nào đó rồi cũng phải học hội nhập chung với người không khuyết tật (NKKT). Vì là dạng cá biệt, nên dù thầy cô có quan tâm cũng không thể giúp đỡ nhiều được vì lớp học qua đông. Chủ yếu là phải tự học và tự lực. Các bạn khiếm thị nhận được quyết định miễn thi tốt nghiệp cấp 2, 3 và miễn cả đại học nhưng … chẳng ai vui cả vì từ phía bản thân người khuyết tật chẳng còn động lực gì để học cả “không học cũng đậu” và từ phía xã hội “được miễn mà có giỏi gì đâu. Một thiện chí tốt nhưng lại phản tác dụng. Các bạn khiếm thính thì mong ước biết bao, được tăng giờ làm bài thi, vì hạn chế về giao tiếp, các bạn phải mất nhiều thời gian đọc hiểu đề thi. Và còn chương trình học nữa, các bạn mất 10 năm chỉ để học chương trình cấp một theo giáo trình dành cho học sinh không khuyết tật. 
Bạn thiểu năng trí tuệ thì cũng học trường chuyên biệt và đòi hỏi mẹ phải cùng học với con, cùng sát cánh với nhà trường thì mới có chút tiến bộ trong giao tiếp đơn giản.

Tiếp cận Internet 
  
Tất cả NKT đều có thể tiếp cận Internet, nhưng tuỳ theo mức độ hiểu biết của từng cá nhân mà sự tiếp cận này là hỗ trợ cho công việc hay chỉ để chat cho vui. Đương nhiên vẫn có NKT không biết và không có điều kiện tiếp cận Internet như NKKT.

Rào cản từ môi trường tiếp cận 
  
Công trình cản trở: người khuyết tật vận động là gặp nhiều khó khăn nhất vì hầu như phải đối mặt với những công trình không có sự tiếp cận (lối đi, cầu thang, nhà vệ sinh …) 
Thái độ: Hầu hết NKT đều gặp phải rào cản về thái độ, ánh nhìn thương hại, lạ lẩm và cả khó chịu … 
Xe bus – gian truân quá! 
  
Đại diện khiếm thính đi lại chủ yếu bằng xe bus và hầu như trong một tuần luôn có ít nhất một ngày bị nhân viên soát vé xe bus mắng. Đại diện khiếm thị thì: xe bus gặp cầm gậy thì vọt nhanh. Còn các bạn khuyết tật vận động thì hầu như không thể đi lại bằng xe bus được. 
Việc làm của NKT? 
  
Khó khăn, chủ yếu từ những nguyên nhân sau:

  • Xin việc: gặp phải thái độ đối xử phân biệt của doanh nghiệp do chưa hiểu được NKT: bị từ chối ngay từ đầu vì “NKT làm sao làm việc được”;
  • Trong môi trường làm việc: mối quan hệ đồng nghiệp, giao tiếp (khiếm thính, khiếm thị), không thể làm được nhiều việc và năng nổ như NKKT (khuyết tật vận động);
  • Công việc phù hợp: người khiếm thính không thể làm việc trong môi trường ồn ào, nghe điện thoại, người khiếm thị, khuyết tật vận động không thể làm việc trong môi trường phải đi lại nhiều, …

Một số NKT vận động kinh doanh các ngành nghề như sửa đồng hồ, sửa chìa khóa, bơm gas … thường bị cấm, bị phạt, tịch thu xe vì vi phạm quy định về trật tự giao thông ở lòng lề đường mà không được một chế độ hỗ trợ nào.

Các dịch vụ xã hội 
  
Chưa có dịch vụ xã hội cấp phát máy trợ thính miễn phí, chí có những nhà hảo tâm tài trợ theo cá nhân. Xe lăn thì được một số hội bảo trợ cấp phát miễm phí nhưng vẫn có một số trường hợp có danh sách khống NKT cần cấp phát xe nhưng thực chất là không có.

Khu vui chơi giải trí - miễn phí dành cho NKT? 
  
Đã có một số nơi có khu vui chơi dành cho NKT, thu phí hoặc miễn phí và hầu như chỉ dành cho NKT vận động và khiếm thị (các bạn khiếm thị xem qua sự mô tả của bạn bè).

Tình yêu và hôn nhân của NKT 
  
Để có được tình yêu và đến được với nhau là điều khó khăn nhưng giữ được tình yêu và cùng nhau vượt qua hết những khó khăn để nuôi dạy con thành người có ít cho xã hội là cực kỳ vất vả. 
Phải khó khăn để xác định đó là tình yêu từ NKKT hay là sự thương hại (cách nói chuyện, tính cách …); gặp sự phản đối từ gia đình hai bên phải biết đấu tranh (con gái/con trai lấy chồng/cưới vợ chứ có phải bố mẹ đâu?); cũng có đôi lúc người bạn đời mặc cảm vì lấy chồng/vợ khuyết tật, rồi giận dỗi vì áp lực cuộc sống phải gồng gánh một mình v.v… Nhưng với tình thương và trên hết là trách nhiệm với nhau với con giúp NKt vượt qua khó khăn và sống hạnh phúc.

Phân biệt đối xử

Tất cả đều đồng ý rằng không thể nào không có phân biệt đối xử được. Trong gia đình còn có phân biệt đối xử huống chi là ngoài xã hội. Vấn đề là NKT cảm nhận và có thái độ với sự đối xử phân biệt như thế nào.

Thành lập hội NKT dễ hay khó?
 
Rất khó, phải trực thuộc một tổ chức nào đó của chính quyền và cũng cón tùy địa phương có quy định về việc cấp phép thành lập hay không? Điều kiện yêu cầu khó hay dễ.

Nhìn lại quá khứ và hy vọng ở tương lai 

Ba năm qua, cộng đồng NKT đã có nhiều chuyển biến khá lạc quan. NKT đã tham gia và tự tổ chức nhiều phong trào, tự tin hơn nhiều và đã nhận thức rõ về giá trị của bản thân họ.
Ba năm tới, NKT mong chờ điều gì? Tụ tin hơn và tham gia nhiều hơn. Nhưng giai đoạn này mong chờ nhiều từ phía chính quyền:

  • Hiểu rõ về khuyết tật: NKT không phải là người vứt đi;
  • Phường, xã, quận, huyện nên có bộ phận hỗ trợ NKT (nắm rõ số lượng NKT, độ tuổi đi làm, công ăn việc làm …), không nên có sự hỗ trợ kiểu ban phát;
  • Có sự động viên khuyến khích đúng mức;
  • Chế độ trợ cấp cho NKT phải có liên tục và cần rõ ràng công khai;
  • Nên ưu tiên giải quyết trước cho NKT trong việc chứng nhận giấy tờ;
  • Hãy quan tâm đến trẻ chậm phát triển.

Thật vui khi được chia sẻ cùng với nhau. Tôi nhìn bạn, bạn nhìn tôi, chúng ta cùng chung nỗi bất hạnh trong một kiếp làm người. Nhưng trong tương lai, hy vọng rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn vì chúng ta đến với nhau chặt chẻ hơn, cảm thông hơn và đơn giản chúng ta đã tự tin rằng chúng ta là ai và chúng ta muốn gì?

Dương Phương Hạnh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED)
Tổng thư ký Liên đoàn Khiếm thính Quốc tế (IFHOH)
Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính Châu Á Thái Bình Dương (APFHD)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip