PHỐI HỢP GIÁO DỤC GIỮA GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG VÀ CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC HÒA NHẬP TRẺ KHIẾM THÍNH

Trong công tác giáo dục nói chung và giáo dục hòa nhập nói riêng, việc phối hợp giữa ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên thực tiễn hiện nay cho thấy, còn rất nhiều bất cập và khó khăn trong việc phối hợp ba môi trường này trong giáo dục hòa nhập đối với học sinh khiếm thính. Là những người làm công tác quản lý cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật, chúng tôi đã có nhiều trăn trở về sự phối hợp ba môi trường trên trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính. Đó chính là lý do chúng tôi chọn chủ đề “Việc phối hợp ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ khiếm thính tại Việt Nam”. Chúng tôi sẽ không tránh khỏi những thiếu sót đồng thời có thể những nhận định còn mang yếu tố chủ quan, rất mong được sự góp ý quý báu của các thành viên để bài viết được hoàn thiện hơn. Qua đây, xin cám ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Trường Đại học Wakayama, Nhật Bản, Tổ chức Unicef đã tạo cơ hội cho chúng tôi được tham gia hội thảo và có dịp chia sẻ những trăn trở của chúng tôi trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính nói riêng. Xin trân trọng cám ơn! Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2016
ĐẶT VẤN ĐỀ

Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người Khuyết Tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities – CRPD) được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 13/12/2006 thừa nhận rằng sự khuyết tật là một khái niệm luôn tiến triển và sự khuyết tật xuất phát từ sự tương tác giữa người có khuyết tật với những rào cản về môi trường và thái độ, những rào cản này phương hại đến sự tham gia đầy đủ và hữu hiệu của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác[1]. Công ước cũng có Điều 24 về Quyền giáo dục của người khuyết tật (NKT), đặc biệt nhấn mạnh quyền tiếp cận giáo dục phổ thông trên cơ sở bình đẳng với người không khuyết tật sao cho họ có thể tham gia và hòa nhập trọn vẹn và hữu hiệu vào xã hội.

 Việt Nam đã ký tham gia Công ước vào ngày 22/10/2007 và đã được Quốc hội phê duyệt vào ngày 28/11/2014. Song song đó, Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12 do Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010 kèm theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người Khuyết Tật” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Ký ngày 10/04/2012, Chương IV, Điều 28, Mục 2 có ghi rõ “Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập 2". Chương I, Điều 7 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân, Mục 2 ghi rõ về việc trợ giúp người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội, sống hòa nhập. Điều 8 quy định trách nhiệm của gia đình phải có trách nhiệm giáo dục người khuyết tật.  
Trẻ khiếm thính là những trẻ bị mất hoặc suy giảm về sức nghe kéo theo những hạn chế về phát triển ngôn ngữ nói cũng như khả năng giao tiếp. Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính đóng vai trò quan trọng và mang nhiều ý nghĩa không chỉ đối với trẻ khiếm thính mà còn cả với gia đình các em và toàn xã hội. Việc trẻ khuyết tật học hòa nhập ở trường phổ thông không chỉ tạo điều kiện giúp trẻ khuyết tật phát triển khả năng, mà còn là nơi giáo dục nhân cách và ý chí phấn đấu cho học sinh toàn trường. Việc chăm sóc - giáo dục trẻ khiếm thính làm cho các thành viên trong gia đình ngày càng gắn bó, đoàn kết hơn, giảm nhẹ gánh nặng; giúp xã hội có quan điểm, thái độ đúng đắn đối với trẻ khiếm thính nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung.

Phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội Theo nguyên lý giáo dục thì “Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội”, đây chính là cơ sở lý luận xác định cơ chế tổ chức quản lý nhà trường không thể tách rời xã hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chức năng cao cả của mình. Hơn nữa, về mặt triết học, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Chính vì thế giáo dục con người sống là sống với cộng đồng, xã hội, không đơn độc một mình với môi trường xung quanh.

Có 3 nhân tố chính trong việc giáo dục học sinh đó là: gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi nhân tố đều mang một vai trò riêng nhất định:
+ Gia đình: là tế bào của xã hội, là nền tảng của mỗi quốc gia và là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, đồng thời cũng là kim chỉ nam để tránh những nhận thức lệch lạc từ phía học sinh.
+ Nhà trường: là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, không chỉ phát triển về kiến thức mà còn phải truyền tải cho học sinh những giá trị chuẩn mực của xã hội để các em trở thành những con người trí thức thật sự có đời sống tinh thần phong phú bên cạnh cuộc sống gia đình.
+ Xã hội: là môi trường thực tế, giúp học sinh hoàn thiện một số kĩ năng cuộc sống, chi phối một phần rất lớn trong suy nghĩ và hành động của học sinh.
 
Phối hợp là cùng làm chung, cùng hành động ăn khớp để hỗ trợ nhau. Phối hợp là sự liên kết, cộng đồng trách nhiệm để phát huy thế mạnh của nhau thực hiện được tốt mục tiêu chung. Phối hợp ở phạm vi vĩ mô áp dụng ở cấp quốc gia, thể hiện qua các chủ trương, chính sách, lí luận, triết lí, quy luật. Hình thức phối hợp này thông qua văn bản như nghị quyết, thông tư liên bộ, liên tịch v.v… Phối hợp ở phạm vi vi mô tại các phường, đơn vị (trường học) thể hiện qua các hợp đồng, phân công trách nhiệm, tiến độ v.v… Hình thức phối hợp này thông qua thông báo. Muốn việc giáo dục được phối hợp tốt thì:

Một là nguyên tắc phối hợp phải được nhịp nhàng. Phối hợp phải cùng mục đích thì mới lâu dài bền vững, nếu chỉ dựa trên mối quan hệ giúp đỡ kết quả chỉ là tạm thời. Phối hợp phải phát huy được thế mạnh và tùy thuộc vào khả năng các bên phối hợp. Phối hợp phải có kế hoạch rõ ràng, thống nhất, có các điều khoản cam kết từ ban đầu, phân công trách nhiệm rõ ràng và có tiến trình thực hiện cụ thể giữa các bên liên quan. 

Hai là điều kiện phối hợp phải có. Đó là cộng đồng trách nhiệm, là cơ sở pháp lý bảo đảm cho sự phối hợp, và cơ cấu tổ chức như thời gian, nhân sự … phải được phối hợp phù hợp. Đảng lãnh đạo qua các nghị quyết, vạch đường lối cho các lực lượng xã hội hoạt động, Nhà nước điều hành bằng những chủ trương và nhân dân làm chủ phương tiện thông qua thông tin và qua đoàn thể.

Ba là tiến trình thực hiện phối hợp phải theo trình tự: (1) Đánh giá tình hình, xác định yêu cầu nhiệm vụ, phương hướng; (2) Hiệp thương, xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng phối hợp; (3) Triển khai kế hoạch phối hợp; (4) Kiểm tra, bồi dưỡng, tạo điều kiện phối hợp, (5) Sơ tổng kết, nhân điển hình phối hợp tốt.
 

THỰC TRẠNG PHỐI HỢP BA MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG & XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC HÒA NHẬP TRẺ KHIẾM THÍNH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ KHÁNH HÒA

Gia đình, nhà trường và xã hội luôn được coi là "tam giác vàng" giáo dục quan trọng đối với mỗi đứa trẻ. Tầm quan trọng của mỗi lực lượng cũng như mối quan hệ giữa ba lực lượng này trong việc giáo dục học sinh thì ai cũng hiểu nhưng vẫn có khoảng cách lớn giữa nói và làm. Đặc biệt là trong công tác giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ đưa ra một số ví dụ điển hình của trẻ khiếm thính học hòa nhập tại thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa mà chúng tôi đã được chứng kiến và can dự.

Gia đình luôn là nơi mỗi người chúng ta đón nhận sự giáo dục đầu tiên cho dù không chính thức và cũng là nơi chúng ta quay về sau mỗi buổi làm việc, khi thất bại trong cuộc sống, khi gặp khó khăn hay rơi vào tình huống đau lòng nào đó, và là nơi ta quay về vào cuối cuộc đời. “Không ai chọn cửa để sinh ra”. Một em trai khiếm thính 33 tuổi nhà ở quận 8 ghiền ma túy từ khi 15 tuổi. Ma túy làm em trở thành người con bất hiếu. Ma túy làm gia đình em khánh kiệt. Em đã bao lần được gia đình đưa đi cai nghiện, nhưng khi về thì đâu lại vào đấy. Ma túy được ném vào nhà em mỗi ngày, vào chỗ em ngủ, vào nơi em đang làm việc là một cơ sở nhuộm của gia đình. Mẹ em đổ lỗi cho em ngu đần, cho cái xóm trời đánh. Em buồn nói là muốn bỏ nhiều lần nhưng không thoát. Lý giải giáo dục gia đình chịu ảnh hưởng bởi huyết thống, văn hóa, kinh tế thì gia đình có thể có kinh tế nhưng rõ là thiếu kỹ năng: không dạy được con, không có kỹ năng để giải quyết vấn đề giúp em, bằng cách tách ly em khỏi môi trường cộng đồng xã hội quá tiêu cực. Giải pháp cho một môi trường giáo dục gia đình lý tưởng là cha mẹ cùng làm: cùng ăn, cùng ở, cùng học, cùng chơi … với con, tránh để trẻ thoát li gia đình quá sớm. Cuộc đời là chân lí, là các chuẩn mực, trẻ đạt được các chuẩn mực từ gia đình có thể vùng vẫy ngoài xã hội (TS Huỳnh Công Minh). Trong tình huống trên, nếu chính quyền địa phương nơi em đang sống có sự hợp tác chặt chẽ với gia đình như: cho em tham gia dân quân tự vệ, khuyết khích em làm từ thiện, hỗ trợ các hộ nghèo xung quanh đồng thời có kế hoạch giải quyết tệ nạn khu phố qua việc hợp tác với các tổ chức, đơn vị giáo dục đào tạo kỹ năng sống, hướng nghiệp cho các thanh niên như em thì cuộc đời em chắc có thể mỉm cười.

Môi trường giáo dục nhà trường là hình thức giáo dục chính thống. Đây là môi trường “người con trong gia đình bước vào” để được đào tạo thành người có đạo đức. Mục tiêu giáo dục đã có, chính sách giáo dục được ban hành, môi trường giáo dục nhà trường thực tế có mở ra cho tất cả? Câu chuyện về Bé TTh đa tật bẩm sinh: thính lực, vận động và tim. Năm năm sống đời sống thực vật, một năm tập vật lý trị liệu đi lại chậm, bảy tuổi vào học tại Trung tâm CED, một năm sau được đánh giá có thể học hòa nhập. Gia đình bé mất một tháng để tìm trường cho TTh, cuối cùng duy nhất một trường đúng tuyến nhận bé – trường bắt buột phải nhận vì gia đình đã trình tất cả các giấy tờ theo yêu cầu của nhà trường bao gồm giấy chứng nhận khuyết tật, giấy giới thiệu của Phòng giáo dục quận ... Cô giáo tuyên bố rằng “Tôi chỉ dạy học sinh giỏi, tôi nhận dạy bé nhưng nếu sau một tháng bé không học được thì sẽ trả về”. Cô giáo dạy được một học sinh giỏi sao lại không biết dạy trẻ khác? Chuẩn mực đánh giá một học sinh giỏi để tuyển vào lớp một là như thế nào? Một nghịch lý nữa, nhà nước có quy định cấm các trường mầm non dạy chữ cho trẻ trong khi các trường tiểu học tuyển sinh lớp một yêu cầu học sinh phải biết đọc, viết, làm toán? Từ khi nhà nước có chính sách khuyến khích trẻ khuyết tật học hòa nhập, trẻ học hòa nhập thành công có, nhưng cũng có trẻ phải quay lại trường chuyên biệt vì lý do không được giáo viên quan tâm, tuyệt nhiên không nghe nói gia đình quan tâm như thế nào. CL nghe nói được nhưng gia đình cho học chuyên biệt lớp một ba năm. Gia đình cứ bảo con mình không biết nói nên làm sao lên lớp hai chuyên biệt, nên hòa nhập được nhiên là điều không thể. Gia đình không phân biệt được bé đã biết nói, biết đọc chữ làm toán, chỉ là không giao tiếp được do không ai dạy. YV nghe và nói chuyện được với máy trợ thính, dù chưa rõ lắm, học chuyên biệt từ nhỏ, được khuyết khích học hòa nhập khóc vì môi trường đó không ai giống em và giáo viên không quan tâm (bé chưa học nhưng đã biết giáo viên trường hòa nhập không quan tâm!). MTh khiếm thính bẩm sinh không nghe và nói được nhà ở quê không có trường chuyên biệt, gia đình thấy em quá thích đi học quá nên xin cho em học chung với em gái không bị khiếm thính. Em theo học như dự bị, không được xem là học sinh chính thức nhưng học rất tốt và tốt nghiệp lớp 12. Điều đặc biệt, dù không nghe và không nói chuyện được, em vẫn có tư duy rất tốt, chữ viết không hề sai ngữ pháp (đảo lộn trật tự từ) như các bạn khiếm thính bẩm sinh khác.
 
QT sinh năm 2009, mất thính lực sâu ở hai tai, sống cùng mẹ ở Nha Trang là một trường hợp thành công về sự phối hợp ba môi trường giáo dục cho kết quả cuối cùng là em được phát triển năng lực và được cho học hoà nhập. QT được học can thiệp sớm, học kỹ năng, hành vi tại Trung tâm Phục hồi chức năng & Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa và học trường mầm non tư thục nơi có người thân trong gia đình em dạy. Tới tuổi vào lớp một, một cuộc chiến cho em được quyền đi học mới thật sự bắt đầu. Ở giai đoạn tiếp nhận ban đầu - đại diện của tổ dân phố (cộng đồng xã hội) cho rằng em khiếm thính sẽ không học được. Thầy cô giáo, đại diện cho lực lượng giáo dục của nhà trường những ngày đầu cũng không chấp nhận em. Trong khi gia đình, cụ thể là mẹ em đã quan tâm, lo lắng hỏi thông tin cụ thể từ tổ dân phố, phường để kịp thời giải quyết cho QT được đi học như những trẻ bình thường khác. Và điều đặc biệt là trong khi các giáo viên khác chưa đồng ý, đưa ra những khó khăn, không muốn nhận QT vào học thì giáo viên chủ nhiệm, người đã được nhà trường chọn để gửi QT đã có nhiều cố gắng, cô giáo tiếp nhận em một cách trìu mến như những học sinh bình thường khác và bỏ ngoài tai về khiếm khuyết thính giác của em. Được biết, tháng 3 năm 2016, cô giáo có thông tin lại với gia đình rằng Toán em học thông minh, phần Tiếng Việt em chưa bằng các bạn (điều này cũng dễ hiểu). Em có tham gia các hoạt động ngoại khóa như cờ vua, bóng đá trong và ngoài nhà trường. Tuy quá năng động nhưng em được nhiều bạn bè và thầy cô giáo rất quý mến. TK mất thính lực nặng – sâu học hòa nhập từ nhỏ hiện đang học lớp 7. Em giao tiếp như trẻ nghe bình thường. Một lần bị bạn học đánh vào đầu chảy máu, em về nhà cũng không nói với gia đình. Sau đó lớp trưởng tới nhà nói. Mẹ liên lạc với CED và nhờ cho giải pháp. Đại diện CED đã xin phép nhà trường vào chia sẻ trong buổi sinh hoạt lớp cuối tuần. Tới nay, TK không bị bạn bè cô lập nữa do có sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục. T Nh nghe nói rất khó khăn, gia đình không chấp nhận cho em học chuyên biệt. Mẹ đã theo em đi học cho tới lớp 2 sau đó tìm được Trung Tâm CED học chương trình hỗ trợ học đường (hướng dẫn lại bài trên lớp, chuẩn bị bài hôm sau, học đọc tín hiệu môi, học kỹ năng tư duy …). Trung Tâm CED đã tư vấn cho phụ huynh chia sẻ cùng cô giáo: em biết đọc nhưng đọc không rõ thì có thang điểm riêng cho em, em có thể viết chính tả trí nhớ v.v… Giờ em là một trong năm học sinh xuất sắc của lớp, được giáo viên chủ nhiệm chọn tham gia lớp bồi dưỡng học sinh giỏi toán.
 
Tại Việt Nam, các công ty bán máy trợ thính như Phonak, Quang Đức mời chuyên gia nước ngoài tập huấn về can thiệp sớm, thính học cho giáo viên các trường chuyên biệt và phụ huynh, không thấy hoặc rất hiếm chương trình có giáo viên trường hòa nhập biết và tham gia. Công ty Med-El chuyên cung cấp ốc tai điện tử thì chỉ tổ chức cho giáo viên các trường chuyên biệt. Trung Tâm Hỗ Trợ Phát Triển Giáo Dục Hòa Nhập Hòa Nhập dưới sự chỉ đạo của Sở cũng thường xuyên tổ chức các lớp tạo huấn hè cho giáo viên trường chuyên biệt. Trung Tâm CED hàng năm có tổ chức hội thảo về giáo dục trẻ khiếm thính rất hiếm khi có đại diện các tổ chức giáo dục của chính quyền, lãnh đạo và giáo viên trường hòa nhập tham dự. 
Từ những trường hợp trên có thể thấy rằng việc phối hợp giáo dục giữa ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội có nhưng chưa rõ ràng, thống nhất. Và đặc biệt hai môi trường nhà trường và xã hội mà đại diện gần nhất là chính quyền nơi trẻ đang sinh sống như chưa biết về các văn bản, chính sách liên quan đến trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng trong việc học hòa nhập. Khi giải quyết vấn đề hầu như họ đều làm việc theo cảm tính của mình. 

GIẢI PHÁP

Theo Luật Người Khuyết Tật “Nhà nước khuyến khích người khuyết tật tham gia học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập[1]”. Việc chuẩn bị tốt cho giáo dục hòa nhập thông qua sự phối hợp của ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội vẫn còn là trăn trở lớn cho những ai quan tâm đến công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính. Từ những ví dụ cụ thể minh họa, những phân tích thực trạng như trên, chúng tôi, những người đang làm trong cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng có những đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp. Các cấp lãnh đạo cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng một cách đồng bộ, thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm của các bên liên quan. Cụ thể hóa các văn bản vào thực tiễn cuộc sống, tránh đó chỉ là văn bản, lý thuyết chung chung. Sở, Phòng giáo dục tại địa phương cần chỉ đạo cho trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trung tâm phục hồi chức năng và giáo dục trẻ khuyết tật, các trường chuyên biệt … báo cáo danh sách các trẻ có đủ năng lực học hòa nhập và có công văn phân các học sinh này theo trường thuộc tuyến, hỗ trợ phụ huynh trong việc chạy trường cho con vừa mất thời gian của gia đình, ảnh hưởng đến công việc của nhà trường. Quan trọng nhất là sự tổn thương gây ra cho trẻ khi các em hiểu ra chỉ vì “khác người khác” mà các em không được cho đi học.

Hai là nâng cao nhận thức và trách nhiệm phối hợp ba môi trường giáo dục trong các lực lượng xã hội qua hành lập nhóm hỗ trợ là chuyên gia về giáo dục trẻ khiếm thính, chuyên gia thính học, bác sĩ tai – mũi – họng, chuyên viên tâm lý, nhân viên công tác xã hội, những phụ huynh nồng cốt v.v... Xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giáo dục ba môi trường hiệu quả thiết thực. Ví dụ Hình thành một quy trình hỗ trợ tiếp nhận trẻ khiếm thính học hòa nhập theo các bước (1) Tổ chức hỗ trợ NKT như CED, Trung tâm  Phụ hồi chức năng & Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật các tỉnh làm việc với nhà trường chia sẻ cách thức hỗ trợ học sinh khiếm thính, thỏa thuận cách hợp tác; (2) Tổ chức hỗ trợ chia sẻ các vấn đề về khiếm thính cho học sinh trong lớp; cho phụ huynh …; (3) Phụ huynh trong lớp làm việc với con mình khuyến khích các em hỗ trợ bạn khiếm thính; (4) phụ huynh trẻ khiếm thính thường xuyên trao đổi với giáo viên, với các phụ huynh khác; (5) Tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa có chủ đề về khuyết tật. v.v…

Ba là nâng cao năng lực mỗi môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội, cụ thể:
-       Phát huy vai trò của các tổ chức hỗ trợ trẻ khiếm thính như CED, TT PHCN-GDTE Khuyết tật Khánh Hòa, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập các tỉnh thành;
-       Tập huấn cho nguồn lực của ba môi trường (lãnh đạo trường, phụ huynh, giáo viên, nhân viên các tổ chức xã hội …) về quy trình, cách thức phối hợp cũng như nâng cao năng lực điều phối, lập kế hoạch, thúc đẩy việc triển khai những công việc thuộc trách nhiệm của từng bên trong quá trình phối hợp.

Bốn là tăng cường vai trò của báo chí trong việc kêu gọi sự phối hợp giáo dục ba môi trường trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ khiếm thính.
 
KẾT LUẬN VẤN ĐỀ

Giáo dục hoà nhập là mô hình giáo dục kinh tế nhất, mang tính nhân văn nhất và là xu thế tất yếu của thời đại. Mô hình này làm cho mọi trẻ em đi học đều vui, đều thấy rõ trách nhiệm của mình. Và trong giáo dục, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần tạo ra sự hợp tác và hoà nhập với các em trong mọi hoạt động. Nếu thực hiện tốt, hài hòa việc phối hợp ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính thì chúng ta cũng sẽ đáp ứng được 04 mục tiêu giáo dục mà UNESCO đã đề ra: Học để biết, học để làm, học để làm người và học để chung sống. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ tiến gần đến mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục “Không bỏ lại ai ở phía sau” của Liên hợp quốc từ nay tới năm 2030. Và điều đặc biệt chúng ta sẽ khẳng định được chân lý “Ở góc độ giáo dục thì cuộc sống công bằng với mọi người” (TS. Huỳnh Công Minh)./.
 
ASTRACT

 Education in general and inclusive education in particular, the coordination between the three educational environments of families, schools and society has always played an important role. However, the current reality shows, there are many shortcomings and difficulties in coordinating the three environments in an inclusive education for students with hearing loss. As persons who work as managers at educational institutions for children with disabilities, we have had many concerns about the three environmental coordination in inclusive education for children with hearing loss. That is why we chose the theme "The collaboration of three educational environments of families, schools and social community in the education of hearing impaired children integrate in Vietnam". We will not avoid shortcomings and assumptions may also bring a subjective element, so look forward to the valuable suggestions of the members to be more complete article.
Key words:  educational coordination, inclusive education, children with hearing loss, support, family, school, community.

Các tác giả:
1. CN Dương Phương Hạnh - Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED); 96/14A Duy Tân, Phường 15, Quận Phú nhuận, TP.HCM; Điện thoại: 84-8 66837494; Mail: dphanh@trungtamkhiemthinh.org
2. CN Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa; 07 Tản Viên, P. Phước Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa; Điện thoại: 84. 058 3 878040; Mail: sinhcentre@gmail.com
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người Khuyết Tật
[2] Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12 do Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010
[3] Nghị định số 28/2012/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người Khuyết Tật” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Ký ngày 10/04/2012
[4] TS. Huỳnh Công Minh, Phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, pp 54 – 47, 2015
 

Nguồn tin: Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Người Khiếm Thính (CED)

Bài viết liên quan

IFHOH, I Love You !
Người khuyết tật cần những kỹ năng gì?

Bài đọc nhiều nhất

Thông báo

Video Clip